Chiến dịch dập 'lửa giận' Trump tung ra với Triều Tiên

Các cố vấn Nhà Trắng đã phải rất nỗ lực để giải thích thông điệp đầy đe dọa mà Trump đưa ra trong lúc bột phát với Triều Tiên.
Rex Tillerson giải thích về tuyên bố "lửa giận" của Trump. Video: Time.

Giới quan sát quốc tế hôm qua được một phen sững sờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tung ra những lời đe dọa quyết liệt nhất từ trước tới nay nhắm vào Triều Tiên. Trước các phóng viên, ông Trump tuyên bố rằng Bình Nhưỡng không nên có thêm hành động thách thức Mỹ, nếu không sẽ phải hứng chịu "lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng thấy".

Tuyên bố trên của ông Trump lập tức làm rộ lên đồn đoán rằng Mỹ sắp phát động một chiến dịch quân sự nhằm tấn công phủ đầu Triều Tiên. Trên thực tế, một chiến dịch đã được thực hiện, nhưng không phải để trừng phạt quân sự Triều Tiên, mà là để giải thích cho phát ngôn chưa từng có tiền lệ của Tổng thống Mỹ, theo NewYorker.

Chiến dịch đó bắt đầu tối qua, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson tổ chức một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi ngay trên chuyên cơ đang bay qua Thái Bình Dương để làm rõ bình luận mà Tổng thống Trump vừa đưa ra về Triều Tiên.

"Điều mà Tổng thống vừa làm là gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên bằng ngôn ngữ Kim Jong-un có thể hiểu được, bởi ông ta dường như không hiểu được lời lẽ ngoại giao. Tôi nghĩ điều quan trọng là Tổng thống Trump đưa ra thông điệp này để tránh bất cứ tính toán sai lầm nào của Triều Tiên", Ngoại trưởng Mỹ phân bua.

Khi được hỏi điều gì đã khiến ông Trump đưa ra lời lẽ đầy quyết liệt như vậy, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định tình hình liên quan đến Triều Tiên không có bất cứ thay đổi đáng kể nào trong 24 giờ trước đó. "Điều mà Tổng thống muốn tái khẳng định là Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình và các đồng minh trước bất cứ cuộc tấn công nào và chúng tôi sẽ làm như vậy", ông nói.

Bình luận viên John Cassidy cho rằng mục đích của Ngoại trưởng Tillerson trong cuộc trả lời phỏng vấn này khá đơn giản: để bảo vệ Trump và cho mọi người thấy rằng thông điệp mà Tổng thống đưa ra đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng với mục đích rõ ràng là tránh một cuộc khủng hoảng có thể nổ ra. Tillerson cũng muốn thể hiện rằng chính sách của Mỹ với Triều Tiên về cơ bản vẫn không thay đổi: Tăng cường gây sức ép về ngoại giao, kinh tế và quân sự, đồng thời để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Có vẻ như Ngoại trưởng Mỹ đã thành công trong việc chỉ ra rằng tuyên bố của Trump là một phần trong chiến lược đã được hoạch định chứ không phải là lời nói bột phát trong lúc tức giận. Nhà Trắng sau đó tiếp tục nỗ lực này, khi khẳng định tuyên bố "trút lửa giận" của Trump đã được chuẩn bị từ trước. "Từ ngữ là do Tổng thống tự chọn. Giọng điệu và sức mạnh của thông điệp đã được thảo luận từ trước", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói.

Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các quan chức khác trong chính quyền Mỹ lại làm cho nỗ lực này trở thành công cốc. Hai quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng Trump đã không bàn thảo về ngôn ngữ với các trợ lý cao cấp và lời lẽ trong tuyên bố là hoàn toàn do ông nghĩ ra. "Bình luận của Tổng thống Trump là bột phát, không có trong kế hoạch", một quan chức nói.

Một loạt phóng viên, nhà báo Mỹ cũng đưa ra những tuyên bố trái ngược với cách giải thích mà Ngoại trưởng Tillerson và các quan chức Nhà Trắng đưa ra về phát ngôn của Tổng thống Trump.

"Nhà Trắng, kể cả các cố vấn an ninh quốc gia, không hề biết rằng Tổng thống Trump chuẩn bị đưa ra tuyên bố công khai về Triều Tiên tại câu lạc bộ golf ở Bedminster", phóng viên Michael Warren của Weekly Standard cho biết.

Trump không đọc văn bản chuẩn bị sẵn khi ra tuyên bố đe dọa Triều Tiên.

Phóng viên Glenn Thrush của Times sau đó viết trên Twitter rằng ông Trump không đọc tuyên bố "lửa và giận dữ" từ văn bản chuẩn bị sẵn mà chỉ "nói vo". Phóng viên Josh Dawsey cũng có quan điểm tương tự: "Tuyên bố ‘lửa giận’ hôm qua không phải là ngôn ngữ đã được chuẩn bị cẩn thận của Trump hay những người có hiểu biết liên quan. Đừng suy diễn quá nhiều về nó".

Dở khóc dở cười

Cassidy cho rằng đây là thời khắc "dở khóc dở cười" đối với đội ngũ cố vấn ở Nhà Trắng. Từ trước tới nay, Trump luôn tự hào rằng xung quanh mình có một đội ngũ các tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia. Thế nhưng khi đối mặt với một trong những vấn đề gai góc và nguy hiểm nhất là chương trình hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống Mỹ lại "tự nghĩ ra" những lời lẽ đầy đe dọa mà không thảo luận với bất cứ cố vấn nào.

Những tướng lĩnh kỳ cựu như cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster hay Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều không có mặt tại câu lạc bộ golf ở Bedminster khi Trump đưa ra tuyên bố "trút lửa giận". Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly có mặt ở đó, nhưng ông tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe Tổng thống tung ra lời đe dọa Triều Tiên.

Chiến dịch dập 'lửa giận' Trump tung ra với Triều Tiên ảnh 1

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh:AP.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis sau đó ra một tuyên bố từ Lầu Năm Góc nhằm phản ứng với lời đe dọa tấn công Guam của Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố này của ông Mattis chứa đựng những lời lẽ tương tự như ngôn từ của ông Trump chứ không hề tìm cách giảm nhẹ chúng như nỗ lực của Ngoại trưởng Tillerson.

"Triều Tiên phải ngừng hành động tự cô lập mình và chấm dứt việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cần chấm dứt suy tính về những hành động có thể đặt dấu chấm hết cho chế độ và hủy diệt người dân của họ", tuyên bố của ông Mattis có đoạn. Ông cũng khẳng định Mỹ và đồng minh luôn thể hiện được khả năng tự bảo vệ trước bất cứ cuộc tấn công nào.

"Trong khi Bộ Ngoại giao nỗ lực hết mình để giải quyết mối đe dọa toàn cầu này bằng biện pháp đối thoại, cần phải lưu ý rằng lực lượng liên quân chúng tôi đang sở hữu năng lực phòng thủ và tấn công chính xác, chủ động và thuần thục nhất thế giới. Triều Tiên sẽ thua trong bất cứ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào mà họ châm ngòi", ông Mattis nhấn mạnh.

Theo Cassidy, đây là cách Bộ Quốc phòng Mỹ cụ thể hóa tuyên bố "lửa và giận dữ" của Trump, nhưng với những lời lẽ được cân nhắc, tính toán thận trọng hơn nhiều. Thông điệp cuối cùng mà Lầu Năm Góc đưa ra là Mỹ luôn có đủ khả năng quân sự để hủy diệt Triều Tiên, thế nên Bình Nhưỡng không nên có những hành động khinh suất.

Tuyên bố này được coi như một hành động cứu vãn của chiến lược gia Mattis nhằm bảo vệ uy tín của chính quyền Trump trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. "Nhưng dù Mattis đã nỗ lực hết sức, những gì đã diễn ra hôm qua đều cho thấy một kịch bản quen thuộc: Nhà Trắng đã phải cố gắng rất nhiều để khắc phục những rắc rối mà Tổng thống Trump gây ra trong phút giây bột phát", Cassidy nhận định.

Chuyên đề