Chi nhiều tiền, TP.HCM vẫn loay hoay chống ngập

(BĐT) - TP.HCM khẳng định, từ năm 2008, trên địa bàn Thành phố tồn tại 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều cường. Nhờ triển khai các dự án chống ngập, đến nay còn 18 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường. Các điểm ngập này sẽ được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn đến năm 2020. 
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) vẫn vướng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) vẫn vướng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, các giải pháp chống ngập vẫn được đánh giá là thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, khó chấm dứt tình trạng “hễ mưa là ngập”.

218 dự án, 8.000 tỷ đồng để chống ngập

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2019, TP.HCM triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng; khởi công mới 47 dự án, tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư 94 dự án, tổng kinh phí 819 tỷ đồng.

TP.HCM ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại trung tâm Thành phố và 5 khu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam). Trọng tâm là hoàn thành 2 dự án: Cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (Quận 1) và Nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7). Đồng thời hoàn thành Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều.

Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), công suất 469.000 m3/ngày đang được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2019. Cũng trong năm 2019, Thành phố sẽ xây dựng các hồ điều tiết ngầm phân tán ở những khu vực có khả năng ngập nặng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, góp phần xóa, giảm ngập nước trên địa bàn.

Ngoài các dự án trên, TP.HCM đang nỗ lực xử lý dứt điểm 38 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, 62 vị trí lấn chiếm hầm ga thoát nước, 74 trường hợp lấn chiếm tuyến cống thoát nước, 39 vị trí lấn chiếm kênh rạch thoát nước; 17 vị trí bị ảnh hưởng thoát nước do thi công các dự án… Đồng thời, Thành phố sẽ duyệt thiết kế bản vẽ thi công 4 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các đường Tân Quý (quận Tân Phú); đường Bàu Cát, Trương Công Định (quận Tân Bình); đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam (quận Thủ Đức) và đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) - vốn là những rốn ngập của TP.HCM. 

Còn quá nhiều bất cập

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng kinh phí 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 12/2019, được kỳ vọng góp phần quan trọng giảm ngập cho Thành phố. Sau nhiều vướng mắc, ngay đầu năm 2019, Dự án đã tái khởi động với quyết tâm của Tập đoàn Trung Nam. Tuy nhiên, đến nay, nhà thầu vẫn chưa thể có mặt bằng sạch hoàn toàn để thi công.

Một dự án khác mà TP.HCM yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công là Dự án Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày lại có lý do chậm triển khai rất hi hữu. Theo đó, dù mất gần 5 năm tổ chức lựa chọn nhà thầu thông qua sơ tuyển quốc tế, tháng 3/2019 TP.HCM có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng đến nay, Dự án vẫn chưa thể ký hợp đồng do sắp xếp lại các ban quản lý dự án, hiện chưa có giám đốc để tiến hành ký hợp đồng!

Công tác xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước cũng còn tương đối chậm. Bài toán chống ngập của TP.HCM còn rất nhiều khó khăn bởi những bất cập khác trong quá trình triển khai các dự án. Cụ thể, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch đô thị đã khiến Thành phố không thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập dù tốn kém lượng kinh phí khổng lồ hàng năm. Dẫn chứng cụ thể đã được HĐND TP.HCM chỉ ra: Dự án Xây dựng đường Nguyễn Văn Quá đầu tư lớn, hoàn thành nhưng mưa vẫn ngập do rạch Cây Lim chưa được cải tạo đồng bộ.

Tại quận Tân Bình, hệ thống thoát nước không đồng bộ khiến rất nhiều tuyến đường ngập nặng, đặc biệt ảnh hưởng không chỉ cuộc sống của người dân mà còn uy hiếp an toàn của hệ thống hạ, cất cánh của Sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án lắp đặt cống hộp trên đường Mai Xuân Thưởng dù hoàn thành 90% nhưng lại bị vướng mặt bằng (1 căn nhà) khiến khu vực này đã ngập lại càng ngập nặng hơn khi mùa mưa đến. Rất nhiều dự án lắp đặt cống hộp không đồng bộ với hệ thống kênh rạch như hai dự án chống ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp (quy mô hơn 400 tỷ đồng)…

Chuyên đề