Chất thải rắn công nghiệp: Kẻ săn lùng, người thờ ơ

(BĐT) - Trên thế giới, thị trường nguyên vật liệu thứ cấp đang rất sôi động bởi sức hấp dẫn về lợi nhuận. Đặc biệt, chất thải rắn công nghiệp để làm nguyên vật liệu thứ cấp được các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tái chế săn lùng, cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này lại khá trầm lắng, nguyên nhân vì đâu?
Cần có bộ tiêu chí rõ ràng, nhất là với chất thải rắn công nghiệp thông dụng như nhựa, gỗ, giấy, kim loại... Ảnh: Hải Yến
Cần có bộ tiêu chí rõ ràng, nhất là với chất thải rắn công nghiệp thông dụng như nhựa, gỗ, giấy, kim loại... Ảnh: Hải Yến

Theo ông Andrew Thomas Mangan, Giám đốc điều hành Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Hoa Kỳ (US BCSD), ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 54 triệu tấn chất thải. Trong khi đó, có tới 70% bãi xử lý chất thải ở Việt Nam không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Mặt khác, muốn biến chất thải thành nguyên vật liệu giá trị, DN gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân phối nguyên liệu thứ cấp. Nhà đầu tư lại khó tiếp cận nguồn nguyên liệu, cũng như khó đánh giá, kiểm soát thông tin về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.

Một thực trạng khác, theo ông Nguyễn Thành Lam - Vụ Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các hoạt động tái chế hiện nay chủ yếu thông qua các làng nghề (tái chế nhựa, giấy, đúc đồng, kim loại...) với công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số tỉnh, thành phố đã có cơ sở tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở tái chế này đa số có quy mô nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất còn lạc hậu, chưa đồng bộ.

Một khó khăn nữa, theo ông Lam, đó là vẫn còn tồn tại hiện tượng các chất thải có giá trị kinh tế được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt, gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý. Việc phân loại tại nguồn chất thải rắn mới chỉ dừng lại ở mức triển khai tại các mô hình, dự án, nên hầu như không phát triển được khi dự án, mô hình kết thúc. Do chưa được đầu tư bài bản và đủ kinh phí, nên hầu hết các tỉnh, thành phố chưa được trang bị các thiết bị phục vụ cho công tác thu gom và phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ kinh phí nhằm khuyến khích đầu tư xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, tuy nhiên, ông Đỗ Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Deep C Hải Phòng I và III thuộc Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ chia sẻ, những quy định này còn khá chung chung, đưa ra một số tiêu chí cơ bản, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, khuyến khích phân loại chất thải sinh hoạt.

Do đó, ông Hưng đề xuất, thứ nhất, để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cần có bộ tiêu chí rõ ràng, nhất là với chất thải rắn công nghiệp thông dụng như nhựa, gỗ, giấy, kim loại...

Thứ hai, phải có cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm tra và cấp chứng nhận khi hoàn thành một công đoạn để khích lệ các DN, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc xử lý, tái sử dụng chất thải rắn vào thực tế.

Thứ ba là hỗ trợ về kinh phí đầu tư, đầu tư công nghệ giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng điện gió, điện mặt trời để giảm tiêu hao năng lượng từ nhiệt điện than...

Thứ tư là cần làm rõ hơn chính sách ưu đãi, có tính chất khuyến khích hơn để ít nhất có thể giúp DN cân bằng với chi phí đầu tư.

Muốn biến chất thải thành vật liệu có giá trị và thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng, ông Andrew Thomas Mangan khuyến nghị, cần phải kết nối tài nguyên và dữ liệu, cùng các công cụ xác định, đánh giá và kiểm soát các giải pháp. Trong đó, có đủ dữ liệu là cơ sở để DN, nhà đầu tư ra quyết định. Việt Nam cần thiết lập sàn giao dịch nguyên liệu tái sử dụng như một công cụ quan trọng để thị trường phát triển.

Chuyên đề