Trong năm 2018, TP. Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 4 dự án PPP, tất cả đều chỉ định thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về công tác đấu thầu, năm 2017, trong 53 dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư thì có 31 dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu (chiếm 58,5%). Nhiều dự án PPP mặc dù đã tổ chức sơ tuyển rộng rãi nhưng chỉ có một nhà đầu tư quan tâm và phải áp dụng hình thức chỉ định. Cụ thể, trong tổng số 69 dự án đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, có 38 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển.
Báo cáo của nhiều địa phương về công tác đấu thầu năm 2018 thừa nhận việc chỉ định nhà đầu tư dự án PPP và dự án sử dụng đất vẫn còn chiếm đa số.
Theo Sở KH&ĐT Bắc Ninh, năm 2018, trên địa bàn Tỉnh có 9 dự án PPP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có 3 dự án tổ chức đấu thầu rộng rãi, 6 dự án sau khi sơ tuyển quốc tế có 1 nhà đầu tư đáp ứng nên chỉ định thầu. Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, có 37 dự án thực hiện đấu thầu trong năm qua với tổng vốn đầu tư dự kiến 15.370 tỷ đồng, trong đó, đấu thầu rộng rãi 6 dự án, chỉ định thầu 16 dự án, đang triển khai sơ tuyển nhà đầu tư cho 15 dự án.
Còn TP. Hà Nội, trong năm 2018 đã lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 4 dự án PPP, tất cả theo hình thức chỉ định. Tương tự, Lào Cai đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 1 dự án PPP, 9 dự án đầu tư có sử dụng đất, cả 10 dự án đều chỉ định thầu.
Nguyên nhân chính dẫn đến chỉ định thầu, theo các địa phương, là do chỉ có 1 nhà đầu trúng sơ tuyển.
Báo Đấu thầu đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thờ ơ của nhà đầu tư đối với nhiều dự án PPP, dự án sử dụng đất đưa ra sơ tuyển nhà đầu tư trong thời gian qua. Đó là do dự án không hấp dẫn, hay có không ít dự án chưa sơ tuyển đã biết có chủ, có dự án quá thiếu thông tin, quá nhiều rủi ro khiến những nhà đầu tư không theo đuổi dự án từ đầu khó lòng tham gia...
Dù với lý do gì, thì chỉ định thầu luôn dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện dự án PPP gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2018, Bộ KH&ĐT đề xuất, để hạn chế việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc trúng sơ tuyển, quy định về lựa chọn nhà đầu tư được sửa đổi theo hướng yêu cầu công khai, minh bạch hơn. Trong đó yêu cầu nhà đầu tư cần phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (lộ trình theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT).
Tỉnh Bắc Ninh thì kiến nghị để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, đề nghị tuân thủ nghiêm quy trình, trình tự được quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, Sở KH&ĐT Bắc Ninh đề xuất không thực hiện chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, thực hiện gia hạn thời gian đóng thầu khi có ít hơn 3 nhà đầu tư tham dự đối với sơ tuyển hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án nhóm C. Trường hợp sau sơ tuyển có ít hơn 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, đề nghị hủy kết quả sơ tuyển và tổ chức lại sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.
Sở KH&ĐT Bắc Giang kiến nghị sớm hoàn thành xây dựng Luật PPP tạo hành lang pháp lý cao nhất đảm bảo tính ổn định, hạn chế sự điều chỉnh chính sách nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia dự án PPP, tăng tính cạnh tranh.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, cho rằng khi xây dựng Luật PPP nên lưu ý đến vấn đề này, có thể nên nghiên cứu xem xét bỏ bước sơ tuyển, tổ chức đấu thầu rộng rãi ngay.
Tuy nhiên, từ thực tế tổ chức lựa chọn nhà đầu tư nhiều dự án, thì bên cạnh những giải pháp chính sách, việc có được môi trường công khai, minh bạch và cạnh tranh trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào đó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu thiếu chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu và có sự tác động thiếu tích cực, thậm chí hình thành lợi ích nhóm thì tình trạng thiếu công khai, minh bạch, kém cạnh tranh sẽ vẫn tiếp diễn.