Cắt giảm quy định kinh doanh bước vào giai đoạn mới

(BĐT) - Quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. 
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm

Giới chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng DN cho rằng, với những mục tiêu và yêu cầu cụ thể, việc thực hiện Nghị quyết sẽ giúp DN giảm gánh nặng chi phí, mở rộng cơ hội kinh doanh.

Quyết tâm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Tại nghị quyết trên, Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN… Mục tiêu là trong giai đoạn 2020 - 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực tính đến ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020). Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải lượng hóa được lợi ích mang lại cho DN, người dân và xã hội; không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của DN, người dân…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Nghị quyết được ban hành thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, kiến tạo mội trường kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là trong bối cảnh cộng đồng DN đang chịu ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19”.

Theo bà Thảo, khi các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hoá sẽ là công cụ hữu ích trợ giúp DN dễ dàng thực hiện các quy định, từ đó giảm được gánh nặng chi phí, mở rộng cơ hội kinh doanh hậu Covid-19.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đây là một nghị quyết rất đúng và rất trúng. Bởi một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi sẽ giúp DN nắm bắt được nhiều cơ hội kinh doanh, tăng khả năng sinh lời. “Nghị quyết sẽ “tiếp sức” cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn, thúc đẩy phát triển”, ông Nam nhìn nhận. 

Bắt đầu từ đâu?

Để thực hiện mục tiêu nói trên, Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm thực hiện của từng đơn vị. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động triển khai thực hiện Chương trình theo nhiệm vụ được phân công, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025. Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không hợp lý.

Căn cứ Chương trình này, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế triển khai, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trước ngày 31/1 hàng năm gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi. Trước ngày 15/10/2020, hoàn thành thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý vào phần mềm thống kê, rà soát theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ…

Văn phòng Chính phủ căn cứ kết quả theo dõi thực tế triển khai của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị này rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình... Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính huy động sự tham gia của các hiệp hội, DN, người dân tích cực gửi phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật…

Tin tưởng khả năng đạt mục tiêu đề ra, ông Nam nhìn nhận: “Chúng ta có cơ sở để đẩy sớm việc hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết, hỗ trợ thiết thực cho DN sớm vượt qua khó khăn do dịch bệnh và phát triển”. Lý do là Việt Nam có những tiền đề rất tốt, nhiều năm nay đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đạt những thành công nhất định.

Chuyên đề