Cát cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau: Chủ động cân đối nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kết quả khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án) và kết quả làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về khả năng cung cấp cát đắp nền đường cho Dự án, Bộ Giao thông vận tải đã dự báo về khả năng bị động nguồn cát phục vụ xây lắp.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần tới 18,46 triệu m3 cát đắp nền. Ảnh: ĐT
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần tới 18,46 triệu m3 cát đắp nền. Ảnh: ĐT

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài cao tốc khoảng 110,85 km và tuyến nối khoảng 25,9 km với tổng mức đầu tư là 27.523,39 tỷ đồng. Trong đó, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 37,65 km tuyến cao tốc và 9,25 km tuyến nối, tổng mức đầu tư 10.370,74 tỷ đồng; Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,23 km tuyến cao tốc và 22,8 km tuyến nối, tổng mức đầu tư 17.152,65 tỷ đồng. 2 tuyến cao tốc dự kiến khởi công trong tháng 12 năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Về nhu cầu vật liệu cát đắp nền, 2 dự án cần tới 18,46 triệu m3, tuyến Cần Thơ - Hậu Giang cần tổng cộng 6,6 triệu m3, tuyến Hậu Giang - Cà Mau cần 11,86 m3.

Trong khi đó, theo thông tin về trữ lượng các mỏ đang khai thác và trong quy hoạch của các địa phương đến liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại tỉnh An Giang, trữ lượng mỏ cát quy hoạch phân kỳ 2021 - 2030 là 54,54 triệu m3. Hiện địa phương này đang có 5 mỏ với khả năng khai thác còn lại 2,34/6,25 triệu m3. Tại tỉnh Đồng Tháp, trữ lượng theo quy hoạch là 33,57 triệu m3/10 mỏ. Hiện tại khả năng khai thác theo giấy phép năm 2022 còn lại 3,13 triệu m3. Riêng tỉnh Vĩnh Long, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,38 triệu m3, theo quy hoạch là 42,47 triệu m3. Tỉnh Sóc Trăng thấp nhất với khả năng theo giấy phép là 0,80 triệu m3.

Đánh giá của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, thực tế triển khai các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, nguồn vật liệu cát đủ tiêu chuẩn sử dụng trực tiếp cho đường cao tốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, gồm tỉnh An Giang và tỉnh Đông Tháp, các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu hiện có tỉnh Sóc Trăng và Vĩnh Long có trữ lượng cát sông đã quy hoạch là tương đối lớn, các địa phương còn lại là Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ có nguồn vật liệu cát sông, nhưng trữ lượng không lớn và lẫn nhiều bùn sét…

Trong khi đó, giai đoạn từ 2022 - 2025 nhiều dự án lớn trong khu vực sẽ được triển khai đồng bộ như: Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (188,2 km); Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (27,4 km); Dự án Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (26,5 km)…, dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường là hiện hữu. Dù Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp, nhưng đến nay chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác đều chưa có kế hoạch cung cấp cát cho dự án.

“Hiện nay, các dự án vẫn chưa xác định được đủ nguồn vật liệu cát đắp nền, đây là điểm mấu chốt và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ”, đại diện Bộ Giao thông vận tải thừa nhận.

Trong khi đó, để tránh bị động về nguồn cát, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban QLDA Mỹ Thuận triển khai công tác thi công thử nghiệm cát biển. Chủ đầu tư này cho biết, dự kiến thi công thử nghiệm tại vị trí đường hoàn trả ĐT.978 (thuộc phạm vi Gói thầu XL-01 của Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau). Quy mô đường hoàn trả là đường cấp IV đồng bằng, mặt đường 2 làn xe x 4 m láng nhựa, nền đường rộng 9 m. Đoạn thử nghiệm dài khoảng 300 m với lớp cát biển đắp K95 dày 1,1 m.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, cần khoảng 6.000 m3 cát biển để thi công thí điểm trên chiều dài thi công khoảng 300 m, có kinh phí thử nghiệm khoảng 10 tỷ đồng. “Thời gian dự kiến thi công và hoàn thành trong quý I/2023, theo dõi đánh giá khoảng 10 - 12 tháng”, Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, để chủ động trong việc cung cấp vật liệu cát phục vụ xây lắp, Bộ kiến nghị các tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét, cân đối nguồn cát hiện có để có kế hoạch phân bổ phù hợp cho các dự án của Trung ương và địa phương trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó ưu tiên cung cấp cho Dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Trong trường hợp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp không thể cân đối đủ nguồn cho dự án, đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng xem xét cấp mỏ mới cho nhà thầu để phục vụ thi công dự án. Cụ thể, đề xuất tỉnh Vĩnh Long cho phép khảo sát trữ lượng và nghiên cứu nạo vét cồn Đồng Phú (rộng 70 Ha trên sông Tiền Giang không có dân cư) để tận thu vật liệu đất đắp bao ta luy và cát đắp nền (nếu đạt yêu cầu kỹ thuật). Riêng tỉnh Sóc Trăng cho phép tiến hành khảo sát trữ lượng, chất lượng các mỏ cát sông trong quy hoạch của Tỉnh và cấp phép cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án trong trường hợp đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Chuyên đề