Casumina thiếu hụt vì chi quá nhiều tiền mặt chia cổ tức

Chia cổ tức tiền mặt lên đến 35% khiến Casumina thiếu hụt nguồn vốn, phải vay ngắn hạn ngân hàng để mở rộng sản xuất.
Bên trong nhà máy sản xuất lốp ôtô của Casumina.
Bên trong nhà máy sản xuất lốp ôtô của Casumina.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã chứng khoán: CSM), một trong những khó khăn doanh nghiệp này đối mặt trong 2017 và tiếp tục kéo dài sang 2018 là chi phí lãi vay không ngừng tăng.

Ban lãnh đạo Casumina lý giải, những năm gần đây, chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao khiến công ty rơi vào thế khó trong bối cảnh rất cần nguồn vốn mở rộng sản xuất. Điển hình như 2015 phải dành khoảng 260 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 35%. Do thiếu hụt vốn lưu động, công ty buộc phải tăng nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng với lãi suất cao.

Tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn phát sinh trong năm 2017 là 3.311 tỷ đồng. Điều này kéo theo tăng vọt lên mức 94 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu chi phí tài chính. “Lãi vay tiếp tục là yếu tố làm suy giảm hiệu quả khi mà dòng tiền tích lũy từ lợi nhuận giữ lại để đầu tư phát triển không còn”, ban lãnh đạo công ty nhận định.

Theo phương án phân phối lợi nhuận vừa được công bố, dù “thắt lưng buộc bụng” giảm tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 xuống còn 4% nhưng Casumina vẫn cần đến 41 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ này. Ước tính lợi nhuận còn giữ lại và chuyển sang năm nay chưa đến 12 tỷ đồng.

Bên cạnh vấn đề cổ tức, tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các nhà sản xuất nước ngoài đặt tại Việt Nam cũng khiến doanh nghiệp đầu ngành săm lốp chật vật không kém. Xu hướng chuyển dịch đầu tư lớn từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á trở thành thách thức đối với việc duy trì sản lượng tại thị trường nội địa.

Đối với phân khúc săm lốp xe đạp và xe máy, Casumina gần như giữ vị trí độc tôn trong nhiều năm liền nhờ giá bán thành phẩm rẻ và chất lượng đảm bảo. Từng được xem là “mỏ vàng” để cải thiện doanh thu và bù đắp hao hụt, nhưng phân khúc này cũng bắt đầu nóng lên khi có sự thâm nhập của hàng loạt thương hiệu ngoại nhập từ Thái Lan, Malaysia.

Lãnh đạo Casumina cho biết, song song đó, công ty phải đối mặt với hàng loạt yếu tố tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh như thiếu vắng sự hỗ trợ trong việc hạn chế gian lận thương mại, giá nguyên liệu đầu vào và nhân sự sản xuất trực biến động khó lường… Do đó, công ty đề ra kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay tương đối khiếm tốn, lần lượt là 7% và 53% lên mức 3.770 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.

Năm 2017, Casumina ghi nhận 3.517 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ. Giá vốn bán hàng tăng mạnh, cộng thêm chi phí tài chính và quản doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự khiến lợi nhuận trước thuế giảm gần năm lần, xuống còn 68 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh này đi ngược với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 3% được ban lãnh đạo công ty đề ra hồi trước đó, bất chấp giá cao su thoát đáy và hồi phục nhanh. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm sâu về mức 4,4%, trong khi giai đoạn 2012-2016 luôn đạt xấp xỉ 20% trở lên.

Chuyên đề