Cấp thiết đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Yêu cầu nâng cấp công suất, nạo vét luồng lạch, đồng bộ hệ thống giao thông kết nối cảng biển tại TP.HCM đang trở nên vô cùng cấp bách trong bối cảnh cả hệ thống bên trong lẫn bên ngoài của các cảng đều quá tải. Khu vực giao thương hàng hóa, kinh tế lớn nhất cả nước cần được đầu tư đồng bộ để tránh tình trạng ùn ứ, ách tắc như thời gian qua.
TP.HCM hiện có hệ thống cảng biển lẫn lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất cả nước. Ảnh: Nguyễn Trí
TP.HCM hiện có hệ thống cảng biển lẫn lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất cả nước. Ảnh: Nguyễn Trí

Ách tắc từ ngoài vào trong

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Thành phố có hệ thống cảng biển lẫn lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối các cảng đang bị đánh giá là tệ nhất. Cụ thể, hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông này vừa quá tải lại không đáp ứng năng lực vận chuyển ngày càng tăng, gây ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, gây lãng phí rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa, kìm hãm sự phát triển của Thành phố.

Trong khi đó, thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy, trung bình hàng ngày có khoảng 19.000 đến 20.000 lượt xe ô tô ra vào khu cảng Cát Lái, ngày cao điểm lên đến 26.000 lượt xe ra vào. Điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại khu vực bến cảng.

Chỉ tính riêng lưu lượng xe chở hàng đi qua đường Nguyễn Thị Định đến cảng Cát Lái đã đạt 14.000 - 16.000 lượt xe/ngày, có ngày lên đến 22.000 lượt, chưa kể lượng phương tiện dân sinh, cá nhân. Trong khi đó, lưu lượng xe tối đa theo thiết kế là 12.500 lượt xe/ngày.

Thống kê của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho thấy, hiện nay, sản lượng hàng container qua cảng biển TP.HCM là 6,9 triệu TEU/năm. 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3,8 triệu TEU, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng tăng rất mạnh trong khi hạ tầng sau cảng chưa có cải thiện. Với tình hình tăng trưởng hàng hóa container hiện nay, tình trạng kẹt sau cảng đang sẽ thường xuyên xảy ra.

“Cảng vụ Hàng hải và các đơn vị khai thác, quản lý cảng thường xuyên kiến nghị TP.HCM cần thiết phải đầu tư đồng bộ kết nối đường Nguyễn Duy Trinh với hệ thống cảng nhằm giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, việc cải thiện tình trạng giao thông kết nối đến các cảng triển khai chậm, khả năng tiếp nhận tàu và phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu vì thế bị ảnh hưởng”, đại diện Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết.

Còn bên trong các cảng, hạ tầng hiện hữu vẫn còn nhiều bất cập dẫn tới khó khăn trong khai thác. Kể từ năm 2014 đến nay, hệ thống luồng Soài Rạp mới được duy tu, nạo vét 2 lần. Trong đó, lần 1 (năm 2017) nạo vét một số điểm cạn chỉ còn 5,7 - 5,8m và nạo vét lần 2 toàn tuyến (cuối năm 2019, đầu năm 2020) nhưng độ sâu cũng chỉ đạt đến -9m. Đây đang là điểm yếu rất lớn của cảng Hiệp Phước cũng như các cảng cạn khác không thể tiếp nhận tàu container theo dự kiến. Tuy nhiên, nạo vét luồng Soài Rạp hiện không còn nằm trong thẩm quyền của TP.HCM. Bởi từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai công tác này.

Cấp bách cải thiện

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, TP.HCM sẽ sớm triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách là các tuyến đường giao thông trục chính kết nối các khu vực cảng biển thuộc Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Hiện Dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (kết nối cảng Cát Lái) đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai các công trình thuộc giai đoạn hoàn thiện. Hàng loạt dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư phục vụ hạ tầng kết nối cảng như: Đường khép kín vành đai 2 - đoạn 1 (xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng)… TP.HCM cũng phê duyệt chi phí 9.000 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp 5 cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2025.

Từ phía Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện Dự án Nạo vét tuyến luồng Soài Rạp. Dự án sẽ được khởi công sớm nhất vào năm 2022 để khắc phục hạn chế hiện nay của cảng Hiệp Phước.

Bên cạnh đó, quy hoạch cảng biển tại TP.HCM đang được Bộ Giao thông vận tải tiến hành đồng thời gồm 4 lĩnh vực có kết nối với nhau là đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt, đặc biệt là đường bộ.

Chuyên đề