Ông Trịnh Xuân Thanh. |
Ngày 14/1, bào chữa bổ sung phần luật sư, bị cáo Lương Văn Hoà (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng, Quảng Trạch) nói tự nguyện khai báo về số tiền bị nghi tham ô ngay khi chưa bị cơ quan điều tra hỏi tới.
"Bị cáo không lấy, chỉ rút tiền theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty, chuyển tiền về cho PVC", ông Hoà nói.
Ông Hoà cho hay tại phiên toà hôm qua, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) có ý nói buộc tội với mình. Do vậy, hôm nay trước sự tham dự của cả hai gia đình, ông Hoà đề nghị sếp cũ "không buộc tội bị cáo hay người khác khi bào chữa".
"Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, anh có bao giờ tự vấn lương tâm là vì ai mà bao nhiêu con người phải đứng ở phiên tòa?", ông Hoà nói với ông Trịnh Xuân Thanh.
* 13 tỷ đồng bị cáo buộc tham ô thế nào?
Cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn nói trách nhiệm trong vụ ánhoàn toàn thuộc về ban quản lý công trình chứ không phải lãnh đạo Tập đoàn PVN. Việc PVC sử dụng vốn sai mục đích, chưa bao giờ ông được báo cáo. "Nếu biết sai, bị cáo không bao giờ làm", ông Sơn nói.
"Bị cáo nghĩ rằng mình làm việc với tinh thần nhiệt tình hết trách nhiệm, sốt sắng với mục tiêu không chỉ của Tập đoàn mà còn với mục tiêu đảm bảo an ninh nhiên liệu của đất nước. Bản thân bị cáo cũng suýt chết trên bàn làm việc vì tai biến trong lúc làm việc. Nhiều cán bộ PVN cũng làm việc với tinh thần như thế", ông Sơn trình bày.
Cho rằng sai sót này dẫn đến sai sót kia, dẫn đến vốn bị sử dụng sai mục đích, ông Sơn nói "không phục" cách tính thiệt hại của vụ án bởi đã áp "lãi suất cho vay nặng lãi". Theo ông, tính lãi suất phát sinh thì thiệt hại chỉ khoảng 15 tỷ đồng chứ không phải 119 tỷ đồng như bản giám định quy kết. Ông đề nghị có cách tính hợp tình hợp lý, đúng bản chất vấn đề.
Ông Sơn xin toà xem xét trách nhiệm với ông Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC) vì chỉ làm theo chỉ đạo của mình. "Một người hiền lành chủ yếu làm công tác đoàn thể mà vướng lao lý thì nao lòng lắm", ông Sơn nói.
Như cựu phó tổng giám đốc PVN, cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh cũng trong phần tự bào chữa cho mình đã dành thời gian đề nghị xem xét, giảm mức án thấp nhất với ông Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán kiểm toán PVN). "Các lần cấp tiền, anh Mậu chỉ làm theo uỷ quyền của bị cáo, giống như "xuất kho" chứ anh Mậu không biết".
Ông Quỳnh cũng trình bày sai phạm bị quy kết trong vụ này của ông là do "làm theo chỉ đạo của cấp trên". Ông Quỳnh cũng không đồng ý với đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung như luật sư của mình nêu trước đó.
Bị cáo Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC) khi đến lượt trình bày đã bật khóc, không thể nói thành lời. Sau vài câu tự bào chữa, bị cáo đề nghị toà xem xét trách nhiệm cho bị cáo Quý vì ông này không biết về tài chính kế toán.
Các sếp PVN không nhận đã làm sai
Cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh tự bào chữa rằng trong quá trình điều tra bị cáo hết sức thành khẩn, khai báo; tự giao nộp hàng trăm trang tài liệu giúp cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án. Ông đã thành khẩn nhận trách nhiệm dù sai phạm do cấp dưới gây ra, khắc phục 2 tỷ đồng "cho lương tâm thanh thản".
"Đây là bài học cho những người khác khi thực hiện công việc phải luôn luôn đúng quy định của pháp luật. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét và dành cho bị cáo sự khoan hồng, độ lượng giúp bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời", ông Khánh nói.
"Xin toà 15 phút", cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nói làm tổng giám đốc trong hai năm (7/2009-9/2011), đúng lúc triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và ông làm việc với nguyên tắc công khai, minh bạch.
Cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN
Trong giai đoạn này có việc PVPower và PVN ký chuyển đổi chủ đầu tư, ông đã chỉ đạo phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh ký. Sau đó, các phó tổng giám đốc điều hành tiếp tục triển khai. "Vì vậy, bị cáo không cố ý làm trái trong việc chỉ đạo PVC và PVPower ký hợp đồng 33 trái luật", ông trình bày và chỉ nhận đã thiếu sát sao.
Về việc tạm ứng vốn cho tổng thầu PVC trong bốn lần với số tiền 6,6 triệu USD, 1.300 tỷ đồng, ông Thực nói chứng cứ mới cho thấy ông không ký quyết định cấp vốn. Trong bốn lần này, ông chỉ có một lần ghi bút phê giải quyết theo quy định của hợp đồng. "Như vậy bị cáo không chỉ đạo vẫn có sự cấp vốn, chỉ có một lần bút phê nhưng lại bị thực hiện không đúng chỉ đạo. VKS cáo buộc bị cáo chỉ đạo cấp vốn, tạm ứng trái quy định là không có căn cứ", cựu tổng giám đốc PVN tự bào chữa.
Ông Thực nói luôn làm việc công tâm, khách quan, không tư lợi, không ưu ái ai. Trong vụ án này, ông không bàn bạc cấp trên, không chỉ đạo cấp dưới. Khi biết có sai phạm, ông chỉ đạo khắc phục ngay. Năm 2011, biết có báo cáo đã ký thanh lý, chấm dứt hợp đồng 33; biết tiền sử dụng sai, ông cũng chỉ đạo khắc phục hậu quả, thu hồi tiền.
"Tại cơ quan điều tra, bị cáo luôn được đánh giá thành khẩn, nhưng ra tòa bị cáo bổ sung chứng cứ mới thì lại bị VKS đánh giá rằng thiếu thành khẩn", ông nói.
Ông Thực nhận đã lãnh đạo PVN phát triển tốt, lợi nhuận tăng cao, đóng góp ngân sách mỗi năm hơn 60.000 tỷ đồng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Ông có những đóng góp đặc biệt xuất sắc về công trình khoa học, được hai lần giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
"Gần 40 năm lao động miệt mài, cẩn trọng, trách nhiệm, bị cáo luôn tâm niệm làm đúng, nay lại bị đề nghị mức án 13 năm tù thì quá nặng nề. Bị cáo đề nghị xem xét toàn diện, làm rõ bản chất vụ án, cá thể hóa hành vi, trách nhiệm, xem xét thấu tình đạt lý", cựu tổng giám đốc PVN trình bày và cho biết hơn 16.000 công nhân ngành dầu khí đều đang theo dõi vụ án này.
* Vì sao xảy ra vụ án?