Ảnh Internet |
Tăng vốn chủ sở hữu đối với nhà đầu tư
Theo phương án của Chính phủ, Dự án Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, 3 dự án đầu tư công truyền thống và 8 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của Dự án hơn 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng hơn 63 nghìn tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất về tính cần thiết đầu tư Dự án. Tuy nhiên, bài học về triển khai dự án BOT giai đoạn trước là vấn đề mà nhiều đại biểu lưu ý, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục.
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (đoàn Thanh Hóa) dẫn lại thực tế các dự án BOT giai đoạn trước chỉ yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư từ 10 - 15%, nên vốn thực hiện dự án chủ yếu là vay ngân hàng, cộng với việc nhà đầu tư toàn quyền trong lựa chọn nhà thầu thi công nên lợi đơn lợi kép, rủi ro thì đẩy về phía ngân hàng. Vì thế, đại biểu Hưng đề nghị phải tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên 25 - 30% hoặc hơn.
Trước lo ngại về khả năng huy động vốn tín dụng cho các dự án, đại biểu Hưng cho rằng, cơ cấu phần vốn nhà đầu tư huy động khoảng 63 nghìn tỷ đồng, thì trừ đi vốn chủ sở hữu là 13 nghìn tỷ đồng, phần vốn huy động từ tổ chức tín dụng khoảng 50 nghìn tỷ đồng là khả thi. Tuy nhiên, Chính phủ phải đảm bảo thực hiện dự án công khai, minh bạch, xác định rõ phương án tài chính, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng,… để ngân hàng có thể đặt niềm tin cho vay. Trong trường hợp khó huy động, việc tăng vốn chủ sở hữu như đề xuất sẽ vừa giảm vốn tín dụng vừa giúp huy động được nhà đầu tư có năng lực.
Đồng quan điểm về việc phải quy định chặt chẽ để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đảm bảo nhà đầu tư góp vốn thực, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) khuyến nghị thêm, trong điều kiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về giám sát các dự án BOT, chưa thể hoàn thiện cơ chế chính sách ngay, đề nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục đối với 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó phải nêu rõ tiêu chí lựa chọn dự án BOT, so sánh lợi ích chi phí giữa đầu tư BOT và đầu tư công truyền thống; rõ tiêu chí đánh giá năng lực của nhà đầu tư; chỉ áp dụng BOT với tuyến đường mới; quy định về tham vấn và lấy ý kiến người dân; quy định về đặt trạm và công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ phải trả phí khi sử dụng và đúng số km sử dụng…
Ông Hàm cũng đề nghị cần rà soát lại tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư vì có ý kiến cho rằng đề xuất của Chính phủ đang cao so với mặt bằng chung.
Được chỉ định cũng vẫn đấu thầu
Thực tế tất cả các dự án BOT giai đoạn 2011 - 2015 đều chỉ định nhà đầu tư, đây được coi là khởi nguồn cho nhiều hệ lụy, bức xúc của các dự án BOT về sau. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội khi đề cập đến quy trình lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều nhấn mạnh yêu cầu không được chỉ định thầu, cần đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch và quản lý chặt tổng mức đầu tư ngay từ đầu.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, phải đấu thầu rộng rãi mới có thể lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, vì thế cần có giải pháp để đấu thầu thành công các dự án. Ngoài ra, nên áp dụng hợp đồng dạng trọn gói, không được điều chỉnh trong suốt vòng đời dự án, đảm bảo nguyên tắc thị trường lời ăn lỗ chịu, nhà đầu tư cũng yên tâm về tính nhất quán của chính sách. Phương án này có rủi ro là dự án BOT thực hiện trong thời gian dài, giá cả nhiều biến động, nên đề nghị Chính phủ rà soát lại các số liệu dự án để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân.
Giải trình thêm về Dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, để triển khai 8 dự án BOT này, Chính phủ đã rút kinh nghiệm, sơ kết 5 năm thực hiện dự án BOT trên Quốc lộ 1, toàn bộ khiếm khuyết đã được nhận diện và sẽ khắc phục. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ 8 dự án, đấu thầu lần 1 không xong sẽ báo cáo Chính phủ đấu thầu lần 2, lần 3. “Dù theo quy định là khi có 1 nhà đầu tư tham gia có thể chỉ định, nhưng với dự án cao tốc Bắc - Nam dù được chỉ định thì vẫn cố gắng đấu thầu nhiều lần để lựa chọn nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bộ trưởng làm rõ thêm, để lựa chọn được nhà đầu tư lành mạnh, thực sự có năng lực tài chính, với 8 dự án này sẽ yêu cầu vốn chủ sở hữu ít nhất 15 - 20%, trước đây với Quốc lộ 1 chỉ là 10 - 15%. Ngoài ra, để giải bài toán vốn tín dụng, Chính phủ cũng đang tính đến nhiều phương án. Sắp tới Bộ GTVT sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để đề xuất cơ chế hợp lý, ví dụ như thành lập một quỹ hay gói tín dụng riêng để các ngân hàng có điều kiện sẽ bỏ kinh phí vào quỹ này, tài trợ cho các dự án cao tốc Bắc - Nam.