Cảnh báo về nhân lực kỹ thuật cao

(BĐT) - Do trình độ, kỹ năng yếu, lao động trong nước sẽ đối mặt áp lực lớn khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Ngân hàng Thế giới, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 ở châu Á. Ảnh: Quang Tuấn
Theo Ngân hàng Thế giới, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 ở châu Á. Ảnh: Quang Tuấn

Cung không đáp ứng được cầu

Kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia nhân sự thuộc Công ty Talentnet (công ty tư vấn chiến lược nhân sự hàng đầu tại Việt Nam) cho thấy, đại đa số lao động Việt Nam vẫn đang tập trung ở nhóm nghề kỹ thuật thấp. Vì vậy, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước ở những nhóm ngành nghề đòi hòi trình độ và kỹ thuật cao. Thêm vào đó, một nửa tỷ lệ thất nghiệp lại rơi vào nhóm thanh, thiếu niên, dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu lao động, khó tạo ra giá trị tốt nhất cho xã hội.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015 cho thấy, nếu xét theo ngành nghề kinh tế thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã chiếm đến 44,3% (tương ứng khoảng 23 triệu người) trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc. Đứng thứ hai là khu vực dịch vụ (chiếm 32,8%), còn khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,9%. Hơn nữa, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở khu vực nông thôn chiếm đến 68,8%, còn khu vực thành thị chỉ chiếm 31,2%.

Nhóm nghiên cứu dẫn lại đánh giá trước đây của Ngân hàng Thế giới cho biết, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 ở châu Á. Và theo thống kê hồi giữa năm ngoái, nếu xét về cấp bậc, gần một nửa người lao động Việt Nam (48,88%) nằm ở nhóm nghề kỹ thuật trung bình, 11% ở nhóm nghề kỹ thuật cao và 40,12% còn lại ở nhóm nghề kỹ thuật thấp.

Nếu xét về cấp bậc, gần một nửa người lao động Việt Nam (48,88%) nằm ở nhóm nghề kỹ thuật trung bình, 11% ở nhóm nghề kỹ thuật cao và 40,12% còn lại ở nhóm nghề kỹ thuật thấp
Theo phân tích của nhóm chuyên gia, việc Việt Nam gia nhập TPP hay AEC tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài, DN xuất khẩu sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN mới ra đời. Với xu hướng này, các ngành thuộc lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), công nghệ thông tin, công nghệ chế biến và phụ trợ, dệt may, xây dựng, vận tải và nông sản xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Những lĩnh vực cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh... sẽ là những ngành nghề “nóng”. Điều này kéo theo nhu cầu lao động ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu lao động của Việt Nam tại các nhóm ngành này không thiếu, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đơn cử như khối ngành sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này tăng cao nhưng nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ cầu, thiếu nhân lực cấp trung và cấp cao nhất. Các vị trí đang được săn lùng ráo riết đều đòi hỏi kỹ thuật cao, trình độ tiếng Anh tốt.        

Áp lực “nguồn nhân lực không biên giới”

Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu của Talentnet, để tăng cường hiệu quả và hiệu suất lao động, nâng cao “giá trị cạnh tranh”, đòi hỏi cả một chiến lược dài hơi từ chính sách và chương trình giáo dục của Việt Nam, từ sự đầu tư và nâng cấp của các DN.

Điều đáng nói, dù nhận thức của các DN lớn Việt Nam về TPP và AEC khá rõ nét nhưng sự chuẩn bị về nguồn nhân lực lại chỉ đang ở mức độ “chuẩn bị” trong tư tưởng. Một phần vì các DN đang còn ở giai đoạn cần hoàn thiện. Còn với các DN nhỏ và vừa Việt Nam thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung xây dựng nội bộ trước khi tiến đến khu vực.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, người lao động Việt Nam sẽ đối mặt những thách thức khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào sân chơi khu vực là AEC và toàn cầu trong tương lai.

Chính sự thông thoáng về “nguồn nhân lực không biên giới” nên Việt Nam sẽ đón nhận rất nhiều lao động từ các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia... và các nước tiên tiến khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Điều này làm tăng áp lực cạnh tranh đối với lao động Việt. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy là xét về năng suất lao động, Việt Nam còn kém các nước khác, nhất là các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề cao.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet, những đòi hỏi về tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các DN sẽ như một hệ thống sàng lọc, chỉ dành sân chơi cho những lao động luôn biết tự học hỏi, biết tiếng Anh, tự phát triển bản thân và các kỹ năng mềm. Điều này dẫn tới việc chủ động làm mới, tự trang bị cho bản thân (vốn dĩ không phải điểm mạnh của lao động Việt) sẽ được đề cao và tạo nên áp lực mới để lao động Việt phấn đấu “vượt lên chính mình”.                   

Chuyên đề