Cần thay đổi cách công bố lịch trình di chuyển của bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, tránh dịch bệnh COVID-19, thay vì công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân, thì chỉ nên công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân.
Không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân.

Đây là thông tin chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế liên quan đến việc điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không gây hoang mang, nhất là khi dịch bệnh bùng phát. Các đơn vị cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, bài học quý báu trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng cũng cần thay đổi những cách làm, nội dung truyền thông không còn phù hợp, để truyền thông đến người dân, người bệnh chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quan theo hướng dẫn của ngành y tế. Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt các nhân viên y tế của đơn vị mình thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám, chữa bệnh; không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin các nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ…) của bệnh nhân mắc COVID-19.

Đồng thời, các đơn vị được giao phải hỗ trợ các cơ quan báo chí có đầy đủ thông tin và phương thức truyền thông rõ ràng, chuẩn xác về công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các tầng lớp nhân dân.

Sở dĩ cần có thay đổi trong công tác truyền thông báo chí là do thực tế thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, mặc dù công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phòng tránh dịch bệnh và ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng ở mỗi người dân, tạo nên tâm thế bình tĩnh đối phó, chiến thắng dịch bệnh trong cộng đồng xã hội. Nhất là việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những thông tin này được các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) ở các địa phương có người nhiễm COVID-19 công bố (phần nhiều là dựa trên nội dung khai báo của người bệnh) và được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn khiến cho dư luận cộng đồng bám theo bình luận, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

Thực tế, nhiều người do quá uất ức nên đã lên mạng xã hội để phân trần, bênh vực và kêu gọi “cộng đồng mạng”, hay “cư dân mạng” đừng tiếp tục bêu riếu hành tung, lộ trình di chuyển của người thân.

Bộ Y tế cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục kỳ thị, phân biệt đối xử với những người mắc bệnh COVID-19 hoặc những người đi/đến từ vùng dịch thì họ sẽ lo lắng, sợ hãi, sợ bị hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp xa lánh, tránh né. Điều đó dẫn đến hậu quả việc khai báo không trung thực, khai báo sơ sài, thiếu thông tin sẽ gây khó khăn cho công tác truy vết, điều tra dịch tễ học, sàng lọc đối tượng, khoang vùng dập dịch. Sự kỳ thị tiếp tay cho sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thay vì phê phán, chỉ trích và kỳ thị với người mắc bệnh, báo chí, truyền thông và xã hội hãy tiếp sức, động viên và chi viện cho họ, cho các lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu, nơi tâm dịch. Hơn ai hết, chỉ có họ mới hiểu được nỗi thống khổ, nỗi vất vả của “cơn bão COVID-19” đang càn quét qua những nơi đó.

Bộ Y tế cho biết, trong quá khứ, nhiều người đã từng chứng kiến sự kỳ thị đối với các người mắc phải “tứ chứng nan y” (các bệnh không chữa khỏi được là phong, lao, cổ, lại). Đây là những căn bệnh mà “thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới”, khiến ai cũng rùng mình, lo sợ và tránh xa. Những khu điều trị bệnh Phong được nhiều người biết đến như Tuy Hoà, Quỳnh Lập... Nhiều người do bị kỳ thị đã phải bỏ quê hương bản quán ra đi, hoặc sống ở những nơi cách biệt với dân cư như sống ở cuối làng... Không những họ bị kỳ thị mà con cái của họ cũng bị dân làng kỳ thị. Tuy nhiên, sau khi bác sĩ Hanssen tìm ra vi trùng gây bệnh này, từ đó y học đã tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu, chữa khỏi thì sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh phong cũng giảm đi. Những khu điều trị bệnh Phong như Tuy Hoà, Quỳnh Lập...

Tiếp đó là khi đại dịch HIV/AIDS xuất hiện ở Việt Nam. Thời gian đầu những người bị nhiễm HIV hay đã chuyển sang giai đoạn AIDS cũng bị kỳ thị ghê gớm. Đa số lây nhiễm HIV liên quan đến hành vi của con người gắn với “tệ nạn xã hội” như: tiêm chích ma tuý, quan hệ tình dục không an toàn nên bị xã hội phê phán mạnh mẽ. Nếu ai đó bị mắc nhiễm HIV hay bị bệnh AIDS, không những họ mà còn vợ, chồng, con, cái, bố mẹ cũng bị làng xóm, cộng đồng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử, hắt hủi, tránh xa. Đặc biệt, các hình ảnh hù doạ, cảnh báo, khai thác sâu về các khía cạnh đời tư của cá nhân được phơi bày trên các phương tiện truyền thông ... “Điều này gây khó khăn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS bởi vì những người có nguy cơ bị bệnh hoặc đã bị bệnh không dám đi làm xét nghiệm, đi khám bệnh, sợ bị ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, con cái bỏ học vì đến trường bị các bạn bè miệt thị, khinh bỉ, chê bai... Sau bao nỗ lực của ngành y tế, của xã hội, đến nay vấn đề kỳ thị với người mắc HIV/AIDS đã giảm đi rất nhiều.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề