Các doanh nghiệp lớn rất cần một hệ thống công nghiệp phụ trợ để phát triển. |
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 324 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 91.800 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 61.700 ha; bên cạnh đó có 16 khu kinh tế và 2 khu công nghệ cao.
Tại khu vực phía Bắc, các khu công nghiệp tập trung chủ yếu tại các tỉnh lân cận Hà Nội như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và Hưng Yên. Tổng diện tích đất có thể cho thuê tại các khu công nghiệp phía Bắc đạt trên 40.000 ha. Tuy nhiên, do tồn tại nhiều “nút thắt” về cơ sở pháp lý, thiếu sự kết nối hạ tầng, đặc biệt là thiếu thị trường hệ thống công nghiệp phụ trợ đủ mạnh nên vẫn có không ít khu công nghiệp không thu hút được lượng doanh nghiệp vào đặt đại bản doanh như kỳ vọng.
Điểm sáng lớn nhất trong khu vực phía Bắc về khả năng “đón sóng” FDI có lẽ phải kể đến Bắc Ninh. Các khu công nghiệp đang hoạt động ở tỉnh này như Quế Võ I, Quế Võ II, Tiên Sơn, Yên Phong I… có tỷ lệ lấp đầy đạt bình quân gần 85%.
Quý I/2017, Bắc Ninh lại đón thêm “những con sếu lớn” như Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc), Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc)… Đáng chú ý, trước đó, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam cũng “rót” thêm 2,5 tỷ USD vào Bắc Ninh, nâng tổng số vốn đầu tư của công ty này ở Bắc Ninh lên 6,5 tỷ USD.
Ông Ha Chan Ho, cố vấn Chiến lược Tập đoàn Samsung chia sẻ, bên cạnh việc gần sây bay, bến cảng, thì một trong những điều kiện hàng đầu khi chọn địa điểm đầu tư chính là ở đó phải tạo ra được môi trường ổn định đủ dài để doanh nghiệp có thể yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất.
“Chúng tôi rất yên tâm hoạt động vì lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Khi chúng tôi cần bao bì sản phẩm thì đã có doanh nghiệp đáp ứng, chúng tôi cần vỏ ốp nhựa cũng có rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thể cung cấp”, ông Ha Chan Ho chia sẻ.
Do vậy, có thể nói, để các khu công nghiệp có sức sống và nhanh chóng được lấp đầy, việc tạo một mối liên kết chặt chẽ cũng như chia sẻ trách nhiệm của các bên Doanh nghiệp thuê đất - Chính quyền - Chủ đầu tư khu công nghiệp là rất quan trọng. Nhiều khu công nghiệp chỉ chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cứng như giao thông, điện nước,… mà “bỏ quên” việc tạo những “hạ tầng mềm”, những mối liên kết để giữ chân các nhà đầu tư nên đã thất bại.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SbLaw, đơn vị đã từng kết nối nhiều doanh nghiệp vào các khu công nghiệp, phân tích: “Trong mối quan hệ ba bên đó, mỗi bên phải làm tốt nhất công việc của mình. Các nhà đầu tư phải làm sao tạo ra những khu công nghiệp với hạ tầng tốt, giá cả phải chăng. Chính quyền cần phải nỗ lực xây dựng đầu mối, chú trọng phát triển công nghệ phụ trợ, kết nối giao thông tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sản xuất và xuất cảng. Các doanh nghiệp thuê đất cũng cần có một tầm nhìn phát triển dài hạn và minh bạch để các chính sách hỗ trợ của chính quyền đến đúng đối tượng”.
Trong những yếu tố hấp dẫn doanh nghiệp vào một khu công nghiệp hay một địa phương nào đó, tính sẵn sàng của hệ thống công nghiệp phụ trợ là cực kỳ quan trọng. Một khi có doanh nghiệp phụ trợ ở trong khu công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, vận chuyển…
Những “điểm sáng” về phát triển công nghiệp phụ trợ như Bắc Ninh hiện không nhiều. Theo số liệu của Bộ Công thương, rất nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80 - 85% nguyên liệu.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng một khu công nghiệp với hệ thống hoàn chỉnh chỉ là yếu tố cần chứ không phải yếu tố chính để giữ chân các nhà đầu tư. Một khi vấn đề tiền thuê đất, sự kết nối với sân bay, cảng biển cũng như xây dựng các doanh nghiệp phụ trợ còn bị xem nhẹ thì sẽ còn không ít những khu công nghiệp sẽ rơi vào trạng thái “nằm bất động”.