PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam |
Đơn cử, cách đây ít lâu, chúng ta rất quan tâm về tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Với tình trạng này, nhà đầu tư có thể dùng công nghệ mới khi sử dụng mặt đường có cấu trúc polyme để làm lớp áo đường. Cách làm này có thể khiến giá thành tăng lên nhưng sẽ giúp giảm thiểu hằn lún, thời gian bảo trì bảo dưỡng kéo dài thêm từ 3 - 8 năm; nhà đầu tư sẽ có lợi về lâu dài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại lo ngại khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra vào cuộc thì họ sẽ bị quy là vi phạm pháp luật vì vượt so với đơn giá, định mức được duyệt.
Một ví dụ khác, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sắp tới sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông để phát triển vùng. Nếu vẫn làm đường cao tốc theo công nghệ cũ gắn với việc xử lý nền đất yếu nên phải gia cố thì sẽ tốn nhiều thời gian, tốn vật liệu… Trong trường hợp này, các nhà đầu tư nếu đề xuất dùng giải pháp công nghệ khác có được chấp thuận không, đơn giá, định mức sẽ được tính như thế nào?
Tôi rất tâm huyết bài toán phát triển bền vững. Các tuyến đường bộ hướng tuyến qua núi thì nên làm hầm, chứ không thể bạt núi làm đường gây mất ổn định cho các vách núi; tuyến đi qua thung lũng thì phải bắc cầu chứ không thể lấp thung lũng làm đường ngăn cản dòng chảy của nước. Để làm những công trình đó, chi phí trước mắt có thể cao hơn, nhưng hiệu quả lớn hơn rất nhiều vì nó mang lại giá trị lâu dài, bền vững cho công trình, cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với đơn giá, định mức và giá thành xây dựng công trình hiện nay thì đang là thách thức cản trở sức sáng tạo của nhà đầu tư, nhà thầu.
Tôi đề nghị cần có cơ chế để ủng hộ những giải pháp công nghệ giúp công trình giao thông bền vững hơn, tầm nhìn dài hơn cho phát triển bền vững.