Cần chế tài nghiêm chấn chỉnh lộn xộn trong đấu giá tài sản

(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đang được lấy ý kiến rộng rãi. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Dự thảo, để tránh thất thoát tài sản công và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số DN đấu giá, vẫn còn không ít nội dung trong Dự thảo cần điều chỉnh cho phù hợp.

Dự thảo Nghị định bổ sung nhiều điều khoản cụ thể đi kèm với chế tài xử phạt rõ ràng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Dự thảo vẫn còn nhiều điểm bất cập.

Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 22 quy định “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 6 tháng đến 9 tháng đối với đấu giá viên vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp của đấu giá viên hoặc có hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan”. Theo ý kiến của một DN đấu giá, Dự thảo cần làm rõ bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp để tham chiếu mức độ vi phạm. Hiện nay, có những tổ chức bán đấu giá phiên nào khách hàng cũng liên kết dìm giá, mặc dù không có sự tiếp tay của đấu giá viên hay tổ chức bán đấu giá.

Theo phản ánh của một số người tham gia đấu giá, tình trạng đấu giá hiện nay rất tiêu cực, gây thất thoát lớn cho Nhà nước. Tiêu cực lớn nhất là sự thông đồng giữa người có tài sản bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá. Để hoàn tất việc này, khi cần bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá không đăng thông tin lựa chọn tổ chức bán đấu giá. Nếu có đăng thì đăng lấy lệ, không hề xét chọn mà chỉ định tổ chức bán đấu giá. Khi thực hiện việc bán đấu giá thì tổ chức bán đấu giá sẽ đăng thông báo bán đấu giá trên báo hình, không đăng trên báo giấy và không đăng trên trang web của đơn vị quản lý công sản.

Theo một chuyên gia, để công khai minh bạch thông tin tài sản đấu giá, Dự thảo cần bổ sung hình thức phạt đối với hành vi không đăng thông tin lựa chọn tổ chức bán đấu giá trên trang điện tử chuyên ngành, hoặc đăng không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật, không báo cáo cấp có thẩm quyền về việc xét chọn tổ chức bán đấu giá.

Lý giải về “lỗ hổng” gây mập mờ cho hoạt động đấu giá, vị chuyên gia này cho hay: Không ít người có tài sản bán đấu giá muốn bán tài sản theo ý mình nhằm trục lợi nên ngấm ngầm đi tìm tổ chức bán đấu giá làm theo ý của mình để hợp thức hóa việc bán đấu giá tài sản. Do vậy, thông tin bán đấu giá không được công khai.

Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 24 của Dự thảo quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “không niêm yết hoặc không thông báo bán đấu giá tài sản”. Một số ý kiến cho rằng, quy định này chưa đầy đủ, vì có nhiều tổ chức bán đấu giá niêm yết và đăng thông báo bán đấu giá để lấy lệ, thiếu nhiều thông tin quan trọng như địa điểm để tài sản bán đấu giá, tên người có tài sản bán đấu giá, tên tài sản bán đấu giá được viết rất chung chung như: bán vật tư thiết bị thanh lý, bán công cụ dụng cụ thanh lý.

Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá, một số DN đấu giá cho rằng, cần tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến trực tiếp góp ý cho Dự thảo Nghị định dưới hình thức trao đổi, tọa đàm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình xây dựng văn bản quan trọng này. Mặt khác, đề xuất Bộ Tư pháp nên ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn để làm rõ lỗi nào đáng phạt, lỗi nào không đáng phạt.

Chuyên đề