bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Quốc hội đang xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan, trong đó có việc đưa hộ kinh doanh mà chủ yếu do PN làm chủ vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh |
Kết quả đánh giá này được rút ra từ Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam – Đánh giá của các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ (PN) làm chủ vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 18/12.
Theo Báo cáo nêu trên, cảm nhận chung của DN do PN làm chủ là vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại về môi trường kinh doanh và định kiến xã hội so với DN do nam giới làm chủ.
Đa số DN chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh. Quy mô sử dụng lao động chỉ dưới 50 người. Quy mô vốn thực hiện chỉ dao động trong khoảng 1 - 5 tỷ đồng (vốn đăng ký là từ 1 - 10 tỷ đồng). Trong đó, có tới 63% DN do PN làm chủ có quy mô siêu nhỏ, 31% là DN nhỏ, chỉ có 5% là DN vừa và 1% DN lớn (PCI 2018).
Ngành nghề kinh doanh được đa số PN lựa chọn là lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 75%), lĩnh vực xây dựng (chiếm 12%), lĩnh vực công nghiệp (chiếm 7%), lĩnh vực nông nghiệp/lâm nghiệp/thủy sản (chiếm 7%). Trong khi đó, tỷ lệ tương ứng của nam giới là 59%, 25%, 9% và 7%. Xu hướng lựa chọn ngành nghề thương mại, dịch vụ khá phổ biến là vì đây là những lĩnh vực đòi hỏi chi phí thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao.
Về tính minh bạch, các DN do PN làm chủ chỉ đánh giá ở mức 5,65 điểm, trong khi ở DN do nam giới làm chủ là 5,69%. Những thông tin khó tiếp cận nhất là các bản đồ, quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch đầu tư công; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và các vùng nguyên liệu...Có tới 82,6% DN cho biết chưa từng được mời tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật của địa phương.
Còn đối với chỉ số gia nhập thị trường, điểm số đánh giá của DN do PN làm chủ đạt 5,88%, thấp hơn nam giới 0,01 điểm. 20% DN do PN làm chủ cho rằng họ phải chờ đợi hơn 1 tháng mới có đủ các loại giấy phép cần thiết và 34% DN gặp khó khăn khi xin các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; 31% gặp khó khăn khi làm thủ tục xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Đa số DN do PN làm chủ đánh giá việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ tại các địa phương còn khá “khiêm tốn”. Trở ngại chính là do sự phức tạp của thủ tục xin hỗ trợ, chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại các địa phương khá hạn chế...
Ngoài ra, DN do PN làm chủ cảm thấy thiệt thòi hơn so với nam giới trong việc tìm kiếm khách hàng, liên kết đối tác, tiếp cận nguồn vốn... Chẳng hạn như thời hạn các khoản vay của các DN do nam giới làm chủ là 16,41 tháng, thì nữ giới chỉ có 13,74 tháng... Họ còn phải đối mặt với áp lực trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình; những định kiến xã hội và những quan điểm sai lầm của xã hội về PN.
“Đây có thể là một trong những lý do khiến cho nhiều DN cân nhắc việc phát triển DN lên cỡ vừa và lớn, mặc dù hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không thua kém nam giới. Tỷ lệ DN do nữ làm chủ làm ăn có lãi lần lượt là 64%, cao hơn so với tỷ lệ 63% ở DN do nam làm chủ”, ông Tuấn nhận định.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, các DN do PN làm chủ được ghi nhận có đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế và xã hội. Nhiều báo cáo nghiên cứu trước đây cho thấy, DN do PN làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ khi đối mặt với những khó khăn, quan tâm hơn đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội.
Kết quả điều tra của VCCI từ năm 2011 đến nay cho thấy, tỷ lệ DN do PN làm chủ ngày càng gia tăng theo thời gian, từ 21% lên 24%. Kết quả này khá tương đồng với dữ liệu DN chính thức cấp quốc gia. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có 285.689 DN do PN làm chủ, chiếm 24% tổng số DN cả nước. Khi được hỏi về triển vọng kinh doanh trong 2 năm tới, chỉ có 8% DN do PN làm chủ nghĩ tới việc giảm quy mô hoặc đóng cửa, còn lại rất tin tưởng và đầy lạc quan.
Mặc dù vậy, mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 về tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020 đến nay chưa đạt được. Do đó, trong thời gian tới cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh dành cho khối DN do PN làm chủ.
Muốn làm được như vậy, VCCI đề xuất, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức trong cộng đồng PN, nhà hoạch định chính sách và xã hội. Chính phủ hoàn thiện chính sách và pháp luật hỗ trợ thúc đẩy PN khởi nghiệp và phát triển DN mạnh mẽ hơn nữa. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh chung, trong đó chú trọng tới việc nâng cao tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin và các nguồn lực (tín dụng, đất đai...), thuận lợi hóa cho việc gia nhập thị trường. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng Khung chiến lược quốc gia về phát triển DN do PN làm chủ...
Sự quan tâm của chính quyền và chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN do PN làm chủ, theo đánh giá của ông Vũ Văn Quân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, thực sự chưa tương xứng với sự đóng góp của khối DN này, cũng như thúc đẩy phong trào khởi nghiêp. Luật Đấu thầu đã có điều khoản ưu đãi đối với DN sử dụng 25% lao động nữ, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng đã đề cập đến khái niệm DN do PN làm chủ... nhưng vẫn chưa đủ, còn khá chung chung. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu trên của VCCI, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đề xuất TP. Hà Nội xây dựng các chương trình hỗ trợ thiết thực hơn, nâng mức hỗ trợ lên 30 - 40% để khuyến khích PN phát triển kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Quốc hội đang xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan, trong đó có việc đưa hộ kinh doanh mà chủ yếu do PN làm chủ vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp năm 2014 để quản lý và có chính sách hỗ trợ cụ thể.