Cải tạo đường băng sân bay theo lệnh khẩn cấp: Phải “chọn mặt gửi vàng”

(BĐT) - Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo lệnh khẩn cấp đã giúp rút ngắn tiến độ cho 2 dự án. 
Vấn đề lớn nhất của 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là phải chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực hiện. Ảnh: Lê Tiên
Vấn đề lớn nhất của 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là phải chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực hiện. Ảnh: Lê Tiên

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là phải lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện; xây dựng dự toán chính xác để không thất thoát ngân sách nhà nước; có chế tài giám sát chặt để đảm bảo chất lượng công trình.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và ý kiến của 4 bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý, thực hiện 2 dự án nêu trên theo quy định đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp (Điểm c Khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP). Theo đó, Bộ GTVT được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định. Văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả; việc nghiệm thu, thanh quyết toán phải đúng quy trình, quy định, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí...

Ngày 28/5/2020, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) có văn bản báo cáo về tiến độ thực hiện và trình tự, thủ tục, kế hoạch triển khai, tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Cục này cho biết, trước ngày 15/6/2020, Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt tiêu chí đánh giá các gói thầu tư vấn; gói mua sắm và lắp đặt thiết bị. Dự kiến danh sách nhà thầu xây lắp tham gia 2 dự án sẽ được Bộ GTVT phê duyệt trước ngày 5/6/2020. Công tác giao thầu sẽ hoàn thành trước ngày 15/6/2020.
Theo tính toán ban đầu của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư tại Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài là 2.031 tỷ đồng và tại Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có thể cân đối được cho hai dự án này trong năm 2020 chỉ khoảng 828 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết, với việc giao thầu theo lệnh khẩn cấp, 2 công trình cấp bách này có thể khởi công vào cuối tháng 6/2020.

Ngày 28/5/2020, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cho biết, với nguồn vốn 828 tỷ đồng cho 2 dự án cấp bách theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 sẽ cơ bản đủ để nhà thầu được giao thầu thực hiện khối lượng công việc tương ứng trong năm 2020. Số vốn đầu tư còn lại sẽ tiếp tục giao cho các nhà thầu thực hiện từ tháng 1/2021 khi có vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Vấn đề lớn nhất của 2 dự án này là lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện công trình đặc thù ngành hàng không. Hiện có khoảng 12 nhà thầu ứng tuyển để thực hiện, nhưng số lượng nhà thầu mạnh, có đủ năng lực, kinh nghiệm là không nhiều. Việc lựa chọn nhà thầu dựa vào những tiêu chí cụ thể, đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu theo quy định của Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT.

Sau khi có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/2020, Ban QLDA Thăng Long (đại diện Chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài) đã báo cáo và trình Bộ GTVT kế hoạch, phương án triển khai thực hiện Dự án. Dự kiến, thời gian thực hiện các công trình cấp bách này từ 18 - 21 tháng.

Theo ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi thực hiện việc giao thầu 2 công trình cấp bách trên thì nên quản lý tổng thể và giảm thiểu việc chia nhỏ gói thầu sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện và vận hành công trình. Điều quan trọng đối với Bộ GTVT khi thực hiện giao thầu theo lệnh khẩn cấp là phải chọn được nhà thầu có năng lực, hợp đồng thực hiện phải rõ ràng, chặt chẽ; chọn đơn vị tư vấn giám sát giỏi và khách quan để giám sát chặt chất lượng công trình; khâu phê duyệt và thẩm định dự toán phải chuẩn, chính xác để không thất thoát tiền của Nhà nước.

Chuyên đề