Bóng ma ám ảnh Tây Ban Nha trước nỗ lực ly khai của Catalonia

Cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của Catalonia có thể thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa từng ám ảnh Tây Ban Nha thời kỳ độc tài.

Người dân Tây Ban Nha treo cờ phản đối nỗ lực ly khai của xứ Catalonia. Ảnh:AFP.

Suốt nhiều năm qua, người dân Tây Ban Nha coi Angel Munoz, người đàn ông 62 tuổi luôn mang theo quốc kỳ đứng giữa trung tâm thành phố chỉ là một phần tử cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng vài tuần gần đây, mọi thứ bắt đầu thay đổi, khi những lá cờ Tây Ban Nha xuất hiện nhiều hơn trên đường phố sau nỗ lực đòi độc lập của xứ Catalonia, theo NYTimes.

"Với những gì đã xảy ra ở Catalonia, người dân Tây Ban Nha có lẽ cảm thấy tự hào hơn khi trưng ra quốc kỳ", Munoz nói, ám chỉ cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người dân vùng đông bắc nước này. "Bằng cách nào đó, phần còn lại của Tây Ban Nha cảm thấy đoàn kết hơn".

Chủ nghĩa dân tộc từng ám ảnh đất nước Tây Ban Nha dưới thời nhà độc tài Franciso Franco, người lên nắm quyền sau một trong những cuộc nội chiến vì xung đột ý thức hệ đẫm máu nhất ở châu Âu trong thế kỷ 20.

Dưới chế độ cai trị kiểu phát xít của mình, Franco thi hành chính sách phân biệt đối xử với Catalonia, đàn áp dã man, sát hại và đày ải nhiều nhân sĩ, trí thức nỗ lực đòi độc lập cho xứ này. Ba năm sau khi Franco chết vào năm 1975, Tây Ban Nha mới ban hành được bản hiến pháp dân chủ và đẩy lùi chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Thế nhưng khi châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế và nhập cư, chủ nghĩa dân tộc đang rình rập trở lại, núp dưới danh nghĩa "giữ gìn bản sắc" và chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài. Nỗ lực đòi độc lập của người dân Catalonia bỗng nhiên thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa ở Tây Ban Nha, có nguy cơ đánh thức bóng ma từng một thời ám ảnh quốc gia này.

Trong mắt nhiều người dân Tây Ban Nha, cuộc trưng cầu dân ý của người Catalonia là mối đe dọa chia rẽ một quốc gia vốn là tập hợp của nhiều dân tộc và ngôn ngữ, một thực tế mà chính phủ và đất nước này chưa từng tìm được giải pháp hoàn hảo để dung hòa.

"Ở Mỹ, người dân tự hào là người yêu nước, nhưng nếu đang ở Tây Ban Nha và nói rằng bạn tự hào về đất nước, bạn sẽ bị coi là kẻ phát xít", Carlotta Carro, luật sư 24 tuổi ủng hộ chiến dịch trấn áp cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia của cảnh sát Tây Ban Nha, nói. "Nhưng giờ đây người dân đã có cớ để đổ xuống đường và hãnh diện giơ cao quốc kỳ".

Những lá cờ Tây Ban Nha xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Madrid và nhiều thành phố khác, khi người dân đáp lại lời kêu gọi của chính phủ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa ly khai của xứ Catalonia bằng cách treo quốc kỳ.

"Cuối cùng nó cũng trở thành một biểu tượng cho mọi người", Lucrecia Fernandez, một nữ doanh nhân 50 tuổi, cho biết. Bà đã treo 11 lá cờ Tây Ban Nha quanh căn hộ của mình từ ba ngày trước khi cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia diễn ra.

Tuy nhiên, những cuộc đụng độ giữa cảnh sát vùng Catalonia và lực lượng cảnh sát bán quân sự Tây Ban Nha đã khiến tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở cả hai phía không còn dừng lại ở việc treo cờ mà đã bùng lên thật sự.

Cảnh sát Tây Ban Nha đối đầu với người biểu tình ở Catalonia. Ảnh:Sky News.

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, người dân Catalonia chăm chú theo dõi những video trên mạng cảnh các sĩ quan cảnh sát Tây Ban Nha lên đường tới khu vực này để thi hành lệnh đóng cửa các điểm bỏ phiếu, dưới sự cổ vũ của người dân Madrid.

Sau cuộc bỏ phiếu, truyền hình Tây Ban Nha phát sóng cảnh chính những cảnh sát đó bị đám đông vây quanh khách sạn, hô vang những lời lẽ xúc phạm và đòi họ rời đi. Một số nhóm tân phát xít cũng bắt đầu công khai xuất hiện ở Catalonia, dù chưa được người dân hoan nghênh.

"Các phong trào dân tộc chủ nghĩa cần có chất xúc tác để bùng lên", Joan B. Culla, một sử gia Catalonia, nói. "Thật không may nhưng cũng không hề bất thường khi nói rằng sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia trong những ngày gần đây sẽ thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa đang âm ỉ ở Tây Ban Nha".

Không chỉ ở Tây Ban Nha, làn sóng dân tộc chủ nghĩa cũng đã trỗi dậy ở nhiều nước châu Âu. Đây là chất xúc tác quan trọng để người Anh quyết định bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu hồi năm ngoái. Ở Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu cũng đã tiến được vào vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Tại Đức, một đảng cực hữu thậm chí còn hội đủ phiếu bầu để tham gia quốc hội.

Giáo sư Sebastian Balfour tại Đại học Kinh tế London, cho rằng không nên đánh đồng chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha với sự ủng hộ cho phong trào cực hữu. "Ở Tây Ban Nha không có bất cứ đảng cực hữu nào. Chúng tôi chưa chứng kiến phong trào dân túy cánh hữu ở Tây Ban Nha giống như các nước khác".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng bóng ma cực hữu có thể xuất hiện ở Tây Ban Nha bất cứ lúc nào, tùy thuộc rất lớn vào cách Madrid xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay ở Catalonia, cũng như cách người dân nước này nhìn nhận nỗ lực muốn ly khai của khu vực.

"Khi tôi thấy họ muốn rời đi, tôi bắt đầu cảm thấy mình trở nên Tây Ban Nha hơn", Maria Garcia, bảo vệ một tòa nhà treo đầy quốc kỳ Tây Ban Nha ở Madrid, cho biết. "Tôi cảm thấy buồn và tổn thương khi họ muốn ly khai".

Chuyên đề