Bốn đại án tham nhũng “bay” 2.000 tỷ, khắc phục được 5 tỷ!

Thông tin trên được ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM đưa ra trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí 2015 tại TP.HCM mới đây.
Ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM
Ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM

Năm 2016 sẽ tập trung vào lĩnh vực hải quan

Theo ông Dương Ngọc Hải, trong năm qua Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM (VKSND TP) đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 4 vụ án tham nhũng do Ban Bí thư chỉ đạo xử trước Đại hội Đảng 12.

Cụ thể: Vụ án tham ô tài sản của bị cáo Vũ Quốc Hảo xảy ra tại Công ty cho thuê Tài chính 2, gây thiệt hại 454 tỷ; Vụ án Dương Thanh Cường xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 gây thiệt hại 966 tỷ; Vụ án Lê Hùng Sơn – Vũ Quốc Hảo xảy ra tại Công ty cho thuê Tài chính 2 gây thiệt hại 244 tỷ; Vụ án Phạm Văn Cử xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Chi nhánh 7 gây thiệt hại 396 tỷ.

Qua các vụ án ông Hải thừa nhận việc thu hồi tài sản vi phạm còn hạn chế, 4 vụ án nói trên trên có thiệt hại hơn 2.000 tỷ nhưng số tiền khắc phục hậu quả chỉ 5 tỷ, cơ quan thu hồi chưa được 1 tỷ, kê biên được 1 căn nhà.

Ông Hải cho rằng dự kiến năm 2016 các cơ quan tố tụng sẽ tập trung xử lý các vụ án ở lĩnh vực hải quan và thuế (vì lĩnh vực ngân hàng đã làm trong năm 2015), trong đó có vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế với số tiền hơn 100 tỷ đồng của Lê Dũng và đồng phạm với 46 bị can bị khởi tố (có 32 công chức hải quan).

Ngoài ra, ông Hải cho hay VKSND TP đã tiếp nhận từ VKSND Tối cao hai vụ án đặc biệt lớn là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như (số tiền thiệt hại 4.000 tỷ) và vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện với số tiền thiệt hại lên đến 10.000 tỷ (hiện đã kết thúc điều tra, VKSND Tối cao chuẩn bị ra cáo trạng để ủy quyền cho VKSND TP truy tố).

Cái khó khi ủy quyền công tố?

Về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tham nhũng bị chậm và khó xét xử, ông Hải cho rằng do loại án này thường có tính chất phức tạp, đông bị can, nhiều tội danh, xảy ra trong thời gian dài trên nhiều địa bàn và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… do đó công tác điều tra thường kéo dài, tuy nhiên thời hạn tố tụng bị khống chế nên các vụ án này thường không được giải quyết triệt để.

“Chính vì vậy các cơ quan tố tụng thường sử dụng các thao tác tố tụng như trả hồ sơ điều tra bổ sung hay nhập vào các vụ án để kéo dài thời gian nhằm giải quyết dứt điểm các vụ án này” – ông Hải nói.

Tuy nhiên ông Phó Viện trưởng VKSND TP nhận định: “Theo tinh thần của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn tố tụng lại quy định rút ngắn hơn và việc nhập tách vụ án quy định chặt chẽ hơn, do đó dự báo trong 2016 khi thực hiện luật tố tụng mới các cơ quan tố tụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo ông Hải, hiện nay một số văn bản pháp luật hướng dẫn cũng không đầy đủ hoặc quy định không rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến có quan điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đôi khi trái ngược nhau.

“Ví dụ như hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về tài sản thiệt hại đối với các doanh nghiệp nhà nước, rồi dấu hiệu định tội của nhiều tội danh rất giống nhau, khó áp dụng như “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” – ông Hải cho hay.

Một vấn đề khác cũng gây ra những khó khăn trong công tác xét xử án tham nhũng là việc “ủy quyền”.

“Đây là án do Bộ công an điều tra và VKSND Tối cao truy tố, ủy quyền cho VKSND TP thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử, do các vụ án này VKSND TP không thực hành quyền công tố điều tra ngay từ đầu, trong khi đây là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất đông bị can và khối lượng hồ sơ rất lớn, do đó VKSND TP không thể trong 1 tháng mà nắm được toàn bộ hồ sơ, tình tiết vụ án. Từ đó dẫn đến có sự mâu thuẫn, tranh chấp quan điểm của cấp TP và Trung ương khiến nhiều vụ án phải trả để điều tra bổ sung, hủy án…” – ông Hải nêu quan điểm.

Ông Hải cho biết thêm: “Công tác ủy thác tư pháp với nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhiều ủy thác tư pháp không có kết quả, kéo dài thời gian dẫn đến tạm đình chỉ điều tra vụ án, hoặc là ủy thác tư pháp có kết quả nhưng không thể sử dụng được do hệ thống pháp luật của ta không tương thích với hệ thống pháp luật nước ngoài. Ví dụ một trường hợp dự kiến xét xử mà phải chịu án tử hình thì nước ngoài sẽ không trả lời ủy thác cho chúng ta vì nước họ không có mức án này”.

Ông Hải cũng cho rằng các vụ án tham nhũng thường phụ thuộc vào kết quả giám định về công tác chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, xây dựng… nhưng công tác giám định hiện nay kéo dài và kết quả giám định đôi khi còn mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nên có những vụ án không thể giải quyết được.

Chuyên đề