“Khi anh Dũng vào Ninh Thuận đã có đột phá sáng tạo, thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch, nay các chủ trương đường lối bám chặt quy hoạch đó để làm. Từ quy hoạch xác định điểm mạnh, điểm yếu của địa phương, kiên định thực hiện theo quy hoạch, giảm tình trạng theo nhiệm kỳ, phân khúc”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói khi tham dự cuộc làm việc của Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Phú Yên. Phú Yên đang có chủ trương và xúc tiến các bước để thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch Tỉnh.

Ủng hộ Phú Yên thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch, từ nhắc lại của Thứ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Năm 2009, khi về Ninh Thuận, tôi xác định ngay quy hoạch là quan trọng nhất phải làm đầu tiên, đồng thời xác định phải tư vấn nước ngoài làm”.

Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi đó, Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng, còn lại huy động nguồn kinh phí chủ yếu từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng, tư vấn nước ngoài lập quy hoạch sẽ khách quan, độc lập hơn và họ có cách nhìn khác, cách làm quy hoạch cũng khác cách làm của chúng ta. Nhưng phải phối hợp với tư vấn Việt Nam, vì tư vấn nước ngoài không Việt Nam hóa được tài liệu để trình phê duyệt các cấp, tư vấn Việt Nam hỗ trợ hiện thực hóa được ý tưởng của tư vấn nước ngoài. Ngoài ra, không ai hiểu mình bằng mình nên các sở, ban ngành của Tỉnh phải tham gia ngay từ đầu cùng với tư vấn nước ngoài. Cũng phải thuê tư vấn phản biện. Từ đó có quy hoạch tốt nhất, hạn chế điều chỉnh, giúp phát triển nhanh hơn. “10 năm qua Ninh Thuận vẫn đi theo quy hoạch đó và dự kiến 5 - 10 năm tới vẫn giữ nguyên quy hoạch”, Bộ trưởng cho biết.

Thời điểm này, các địa phương đều đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng như chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới. Chuyến công tác của Bộ KH&ĐT, vì thế, cũng là cơ hội để cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cùng với các địa phương đánh giá lại lợi thế, tiềm năng, điểm nghẽn, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân căn cơ để nhanh chóng tháo gỡ, chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng trong một năm kinh tế nhiều khó khăn, vừa để định hướng cho giai đoạn phát triển sắp tới.

“Để có thể phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, cần có tư duy táo bạo, khát vọng cao và tầm nhìn chiến lược. Khi có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, chúng ta sẽ có hành động hiệu quả, chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển", Bộ trưởng đã chia sẻ như vậy với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát các dự án giao thông tại các tỉnh

Lấy ví dụ tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu năm 2015 thu ngân sách nhà nước đạt 11 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2020 là 9 nghìn tỷ đồng, tức là 5 năm tăng có 2 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Mục tiêu giai đoạn tới dường như chưa có khát vọng lớn để phấn đấu, bứt phá. Cần có sự đột phá, táo bạo, không bình bình, lựa chọn phương án an toàn, bởi vì Phú Yên đang có nhiều điều kiện với hạ tầng tương đối ổn để đặt mục tiêu lớn hơn”.

Theo Bộ trưởng, khi có tư duy đột phá, khát vọng mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược, chúng ta sẽ có hành động hiệu quả, chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển. Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển giai đoạn tới, mỗi địa phương phải xác định rõ tập trung vào ngành nghề nào; phân bố không gian phát triển như thế nào, đâu là vùng động lực để phân bổ nguồn lực phù hợp…

Tư vấn cho Phú Yên, Bộ trưởng nói: “Trong tương lai Vân Phong sẽ phát triển được, kết nối với họ để hình thành vùng động lực Nam Phú Yên – Bắc Vân Phong. Trong phát triển phải tính đến liên kết vùng, gắn kết với Bình Định, Khánh Hòa, Tây Nguyên như thế nào để vừa hỗ trợ vừa bổ sung cho nhau. Phải có tầm nhìn về vấn đề đó”.

Nhắc lại câu chuyện 45 năm sau ngày thống nhất, Việt Nam vẫn chưa có được đường cao tốc kết nối hết chiều dài đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi tư vấn cho các địa phương trong xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau là nên ưu tiên dồn nguồn lực cho những dự án, chương trình có tác động sớm và mạnh đến sự phát triển của tỉnh, đầu tư phải ra tấm ra món, không trải mành mành...

"Đường cao tốc nối từ Bắc vào Nam là con đường huyết mạch, quan trọng nhất, như là cột sống là trụ vững của con người vậy. Nhưng đến nay mới được 400 km, lần này làm 600 km, còn 700 km còn lại đẩy sang giai đoạn sau thì phải đến 2030 mới xong. 1.700 km nếu tập trung quyết tâm làm từ đầu thì đến nay đã xong”, sự trăn trở thể hiện rõ trong chia sẻ của Bộ trưởng với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Bộ trưởng cho rằng cần quyết tâm cao thực hiện tuyến đường, khi đang làm các dự án hiện nay phải chuẩn bị đầu tư luôn cho 700 km còn lại, phấn đấu năm 2022, 2023 khởi công được và năm 2025 xong toàn tuyến.

Chia sẻ lại câu chuyện làm đường ven biển tỉnh Ninh Thuận: “Khi về làm chủ tịch Ninh Thuận tôi tập trung nguồn lực làm dự án là đường ven biển 116 km, 4.000 tỷ đồng, 3 năm xong hết. Một Phó Chủ tịch được giao đặc trách giải phóng mặt bằng, quyết liệt, tuyệt đối không để khiếu kiện”, Bộ trưởng cho rằng cần có quyết tâm cao, đầu tư trọng tâm trọng điểm để có được những công trình có tác động lớn.

Tuyến đường ven biển theo Bộ trưởng cũng rất cần thiết đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển kinh tế; tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối cảng biển, sân bay, đóng vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.

4 địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khi đề xuất với Bộ KH&ĐT đều kỳ vọng sự hỗ trợ nguồn lực khá lớn từ ngân sách trung ương cho nhiều dự án hạ tầng của địa phương để đáp ứng các mục tiêu phát triển. Nhưng với nguồn lực hữu hạn, không thể đáp ứng hết danh mục đầu tư mà các tỉnh kỳ vọng, Bộ trưởng đều đề nghị các Tỉnh phải chọn dự án ưu tiên để cân đối, dồn vốn đầu tư sớm hoàn thành công trình, phát huy hiệu quả. Với Quảng Nam, Bộ trưởng đề nghị tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng đông trước; các dự án hạ tầng cho vùng Tây tạm thời chưa bố trí nguồn vốn đầu tư. Bộ trưởng cũng ủng hộ Bình Định đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Bình Định, dự án đường ven biển đoạn qua tỉnh Bình Định từ TP. Quy Nhơn đến Thị xã Hoài Nhơn, để kết nối đồng bộ từ Bắc đến Nam...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn thể hiện sự ủng hộ với các dự án có ý nghĩa an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Theo Bộ trưởng, với tỉnh miền Trung, các dự án tích trữ nước có ý nghĩa rất quan trọng giúp phát triển bền vững, đảm bảo nhu cầu người dân. Hay các dự án cảng cá, khu neo đậu là rất cần thiết đầu tư để giúp ngư dân tránh trú bão. Bộ trưởng còn đề nghị các tỉnh xem xét đầu tư các dự án khu tránh trú bão ra xa ngoài các đảo để bà con yên tâm đánh bắt xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Trao đổi với các tỉnh, Bộ trưởng cho rằng, về nguồn vốn, các tỉnh cần sử dụng thông minh các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, xã hội hóa. Không thể chỉ trông vào ngân sách. Đã có Luật PPP rồi, nghiên cứu xác định danh mục, bố trí nguồn lực tham gia, Trung ương sẽ hỗ trợ một phần.

“Cũng không nên vay ODA ồ ạt, vì vốn ODA hiện nay kém ưu đãi, đắt đỏ hơn, nên chủ trương sẽ giảm tối đa, sử dụng có chọn lựa lĩnh vực, địa phương. Dự án nào đích đáng, tạo lan tỏa, động lực thì làm, không gây áp lực trả nợ về sau. Trong nước làm được, doanh nghiệp Việt làm được thì không vay ODA”, Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ KH&ĐT khi các tỉnh kiến nghị dự án ODA.

Khi thị sát dự án Kè chống xói lở ven biển Xóm Rớ, TP. Tuy Hòa (giai đoạn 3), thấy rằng hạ tầng khu vực này đang rất phát triển sau khi đầu tư Kè giai đoạn 1, giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói với Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiếu rằng, Tỉnh chỉ cần đấu giá các lô đất xung quanh, sẽ có nguồn lực để đầu tư giai đoạn 3, thay vì chờ ngân sách.

Gợi mở với Phú Yên – địa phương còn quỹ đất dồi dào, Bộ trưởng cho rằng Tỉnh cần quản lý chặt chẽ đất đai, khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất do quá trình phát triển tạo ra, các giá trị địa tô tạo ra phải thuộc về cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Quỹ đất chính là nguồn lực quan trọng, có cách làm sẽ khai thác được cho đầu tư phát triển.

“Khi về Ninh Thuận, tôi quyết định ngay không làm đổi đất lấy hạ tầng mà thắt lưng buộc bụng làm những việc có thể làm được, là quy hoạch, cải thiện môi trường, chất lượng nhân lực, xúc tiến đầu tư kêu gọi. Khi có nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng, kinh tế phát triển lên, giá trị địa tô tăng lên, ngân sách có nguồn dần. Giá đất giữa TP. Phan Rang – Tháp Chàm khi trước chỉ 1 triệu/m2 mà không bán được, nay 70 triệu/m2. Tỉnh bây giờ cấp ra 1 lô đất để đấu giá là có mấy trăm tỷ để đầu tư hạ tầng. Nguồn lực là ở đó, làm tốt sẽ có nguồn lực để đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Với dự án FDI, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh rà soát ngay, cái nào có khả năng làm được thì động viên, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư từng việc nhỏ một. Nhà đầu tư nào không làm thì rút giấy phép, tạo áp lực phải làm, không thể giữ đất mãi, sẽ rất lãng phí.

Với Bình Định, Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nông nghiệp trong 5 năm tới vẫn phải là bệ đỡ. Bộ trưởng nhắc đến khái niệm “nông nghiệp hiệu quả cao”, với quan điểm rằng thay vì "làm sao để làm ra được nhiều hơn" thì đi tìm đáp án cho câu hỏi "Làm sao bán được với giá cao hơn". Như vậy mới có thể thoát ra vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, sản lượng thừa bị ép giá, người nông dân mới có cuộc sống tốt hơn. Chạy theo sản lượng còn dẫn đến nhiều vấn đề như phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng môi trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, các địa phương có nông nghiệp là mũi nhọn phải xác định để bắt kịp xu thế

Đánh giá cao mô hình nuôi tôm, phát triển tôm giống của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý công ty phải tập trung vào phát triển tôm hữu cơ vì tôm hữu cơ bán được giá cao hơn rất nhiều. Theo Bộ trưởng, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, các địa phương có nông nghiệp là mũi nhọn phải xác định để bắt kịp xu thế.

Triết lý "tối đa hóa giá trị" không chỉ đúng với nông nghiệp, mà với hầu hết các lĩnh vực kinh tế hiện nay. Với yêu cầu, đòi hỏi cao về tiêu dùng, thì “tối đa hóa giá trị” sẽ đem lại lợi ích lớn hơn rất nhiều “tối đa hóa sản lượng”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị Chính phủ với địa phương rằng thời điểm này, đòi hỏi lãnh đạo chính quyền các cấp, các bộ, ngành phải sôi sục giải pháp, hăm hở xông pha, bởi thành bại của nền kinh tế giờ đều phải trông vào lửa nhiệt huyết.

Theo tinh thần ấy, Hội nghị diễn ra vào thứ Năm (2/7), thì sáng thứ Bảy (4/7), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác của Bộ KH&ĐT đã có mặt thực địa, kiểm tra tiến độ dự án Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam – khởi đầu cho chuyến làm việc tại 4 địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, với cường độ chuyến đi dày đặc gần như không có thời gian nghỉ, Bộ trưởng đã đến tận nơi, thị sát, kiểm tra tiến độ hàng chục dự án, nhiều nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và làm việc với UBND của 4 tỉnh.

“Trong tình hình kinh tế khó khăn, cần nhanh chóng nắm sát tình hình thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, từng doanh nghiệp, từng địa phương, biết khó khăn ở đâu, ách tắc chỗ nào, điểm nghẽn ra sao, từ đó có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện ở mức cao nhất có thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương và của cả nước. Đồng thời, tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng”, Bộ trưởng nói về mục đích chuyến làm việc.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ trưởng và Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành, xắn tay cùng địa phương tháo gỡ các khó khăn. “Các thủ tục đầu tư, đấu giá, đấu thầu, vướng thì các đơn vị phụ trách của Bộ sẽ giải thích, hướng dẫn, tháo gỡ để làm đúng quy định nhưng làm nhanh”, Bộ trưởng khẳng định với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Trước khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để giới thiệu các nhà đầu tư phù hợp. Lời khuyên của Bộ trưởng là vướng ở đâu các cơ quan nhà nước phải cùng chung tay, dốc sức, phối hợp với doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo từng việc nhỏ một, để thúc đẩy tiến độ chung.

“Giải quyết được khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ được các điểm nghẽn phát triển của càng nhiều địa phương thì sẽ càng tạo được động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước nhanh chóng hồi phục và phát triển sau đại dịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại thời điểm xây dựng các kế hoạch, chiến lược quan trọng cho giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước, thì việc lắng nghe đề xuất, khuyến nghị của địa phương, nắm bắt tình hình thực tế, sẽ giúp các chính sách, giải pháp, mục tiêu giai đoạn tới phù hợp thực tiễn và khả thi.

Trong chuyến làm việc, đến mỗi địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều dành thời gian đi thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, thương binh, gia đình người có công với cách mạng...

Bài và ảnh: Minh Thư Thiết kế: Hoàng Hải