Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy

(BĐT) - Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ hai năm 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” vừa chính thức khai mạc sáng 19/9, tại Hà Nội. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc Diễn đàn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên lần 2 về cải cách và phát triển (VRDF 2019). Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên lần 2 về cải cách và phát triển (VRDF 2019). Ảnh: Lê Tiên

Trong suốt chặng đường lịch sử kể từ khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, mọi người dân Việt Nam đều mong muốn cống hiến hết sức mình, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. Kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đương quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ảnh: Tường Lâm

Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.  

Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. 

Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách. 

Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức. Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. 

Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất - kinh doanh, tổ chức xã hội. 

Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, trong đó ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3-D, Internet vạn vật (IoT), an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. 

Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra định hướng quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu - phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. 

Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ảnh: Tường Lâm

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực, tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội.

Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng như tôi đã nói ở trên.

Tuy nhiên, chúng luôn mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam.  

Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với chúng tôi phải giải quyết cả trong ngắn hạn và chiến lược dài hạn. Các chủ đề thảo luận của Diễn đàn ngày hôm nay đã được Ban Tổ chức sắp xếp trong chương trình, nhưng tựu chung lại, đối với mỗi chủ đề, có 2 câu hỏi lớn đặt ra là: Phải lựa chọn những ưu tiên gì để thực hiện, vì nguồn lực của chúng ta luôn có hạn? Và cần hành động thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra? 

Trong khuôn khổ nội dung Diễn đàn lần này, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ, giải đáp, trao đổi sâu sắc, toàn diện của các quý vị tham dự Diễn đàn với ba trọng tâm chính là: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; và Ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng. 

Với sự hiện diện của nhiều diễn giả, học giả quốc tế có uy tín, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, những bài trình bày, thảo luận và ý kiến trao đổi của quý vị sẽ có đóng góp thiết thực không chỉ cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Việt Nam, mà cả cho việc xác định phương hướng, giải pháp phát triển nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đang trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của mình.  

Nguyễn Chí Dũng

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chuyên đề