Bộ Quốc phòng thiếu cán bộ đấu thầu

(BĐT) - Báo cáo thực hiện công tác đấu thầu năm 2016 của Bộ Quốc phòng cho thấy, nguồn nhân lực tham gia vào công tác đấu thầu của Bộ vẫn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến tồn tại nhiều bất cập và hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Theo Bộ Quốc phòng, nhiều cán bộ làm công tác đấu thầu của Bộ yếu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Nhã Chi
Theo Bộ Quốc phòng, nhiều cán bộ làm công tác đấu thầu của Bộ yếu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Nhã Chi

Tiết kiệm 1,85% qua đấu thầu

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng nằm trong số ít các cơ quan cấp Bộ chưa triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, trong năm 2016, Bộ này đã triển khai tổ chức đấu thầu 8.747 gói thầu nhưng không có gói thầu nào thực hiện đấu thầu qua mạng. Tổng giá trị của 8.747  gói thầu là 36.702.671 triệu đồng; tổng giá trị trúng thầu là 36.021.396 triệu đồng; giá trị chênh lệch giảm là 681.275 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 1,85%. Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc cũng không triển khai dự án nào theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) trong năm 2016.

Bộ Quốc phòng cho biết, trong năm 2017 sẽ thực hiện đấu thầu qua mạng ở một số đơn vị, sau đó rút kinh nghiệm và thực hiện phổ biến trong các đơn vị quân đội.

Về phân cấp trong đấu thầu, Bộ Quốc phòng cho rằng, do thực hiện phân cấp theo đúng thẩm quyền nên thời gian lựa chọn nhà thầu đã được rút ngắn, tạo sự chủ động cao cho các chủ đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính ở cấp Bộ. Tuy nhiên, qua thực hiện việc phân cấp đã bộc lộ sự hạn chế về năng lực, nghiệp vụ về đấu thầu của một số chủ đầu tư, đơn vị mua sắm trong quá trình tổ chức đấu thầu. 

Thiếu cán bộ làm công tác đấu thầu

Năm 2016, Bộ Quốc phòng đã kiểm tra chuyên đề về đấu thầu đối với 5 đơn vị gồm: Tổng công ty 319; Tổng công ty Lũng Lô; Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Binh chủng Hóa học; Biên phòng tỉnh Nam Định theo kế hoạch được Bộ phê duyệt; kết hợp kiểm tra đấu thầu trong các Đoàn giám sát đánh giá dự án đầu tư của Bộ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về đấu thầu, Bộ Quốc phòng cũng đã phát hiện những hạn chế, thiếu sót và kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, nên trong năm qua không có đơn vị vi phạm phải xử lý.
Đánh giá về những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu, Bộ Quốc phòng cho biết, năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu, tham gia tổ chuyên gia và cả đơn vị tư vấn ở một số đơn vị, chủ đầu tư của Bộ còn có nhiều mặt hạn chế. Cụ thể là số lượng cán bộ làm công tác đấu thầu còn thiếu so với nhu cầu thực tế, yếu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chưa chủ động cập nhật đầy đủ các quy định về đấu thầu của Nhà nước, thậm chí một số đồng chí trong tổ chuyên gia đấu thầu không có chứng chỉ đấu thầu.

Một hạn chế khác được nhắc đến là liên quan đến nội dung trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó phần thuyết minh về nội dung của từng gói thầu hoặc cả kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn sơ sài, đơn giản. Sau khi được Bộ Quốc phòng phân cấp, ủy quyền phê duyệt thì vẫn còn nhiều kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt sai về hình thức, thể thức văn bản. Bên cạnh đó, việc chấp hành các chế độ báo cáo tổng hợp số liệu, hướng dẫn thực hiện, xử lý các tình huống, kiến nghị, các vi phạm trong hoạt động đầu tư, đấu thầu tại Bộ Quốc phòng vẫn còn bất cập và thiếu tính tập trung.

Công tác tổ chức đấu thầu ở một số đơn vị, chủ đầu tư thuộc Bộ Quốc phòng chưa thực hiện đúng, đủ quy trình; không phê duyệt danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, danh sách xếp hạng các nhà thầu. Quá trình đánh giá và lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu ở một số đơn vị vẫn còn sơ sài. Việc thực hiện quy định về thời gian trong đấu thầu chưa đúng, kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện gói thầu.

Chuyên đề