Luật sư Phạm Công Út. |
PV: Lãnh đạo TP. HCM vừa giao Quận 7 thí điểm bỏ cấp phép xây dựng đối với những trường hợp nhà ở riêng lẻ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Luật sư Phạm Công Út: Đây là việc cởi trói, tạo sự thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, cũng sẽ thành mảng tối và gây ra tình trạng nhếch nhác.
Ví dụ, một miếng đất không đủ tiêu chuẩn vẫn được xây dựng. Hoặc nhà hình ống bề ngang nhỏ, dài sâu hun hút khi xây dựng lên sẽ tạo hình ảnh nhếch nhác, không đồng bộ.
Với những trường hợp như vậy, nếu có giấy phép, nhà nước sẽ quản lý được kết cấu, cơ sở hạ tầng của người dân và bộ mặt đô thị.
Tất nhiên bỏ cấp phép là một điểm lợi, giúp người dân bỏ được cơ chế xin – cho. Nhưng việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến BĐS liền kề. Hơn nữa, khi người ta không có giấy phép, sẽ khó buộc người ta phải tuân thủ quy định.
Rõ ràng việc này vừa có mặt tốt vừa có mặt xấu nhưng đây là thí điểm, do đó thành phố sẽ rút kinh nghiệm sau một thời gian tiến hành triển khai.
PV: Thưa luật sư, ngoài lo lắng việc bỏ cấp phép xây dựng sẽ tạo ra bộ mặt đô thị nhếch nhác, việc này còn tiềm ẩn nguy cơ gì?
Luật sư Phạm Công Út: Như đã nói, ngoài ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, việc bỏ cấp phép còn ảnh hưởng đến tính sở hữu.
Cụ thể, đối với quyền sử dụng đất, nếu có phép người sở hữu phải là người đứng tên sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu bỏ cấp phép chỉ cần đăng ký sẽ nảy sinh việc chấp thuận hay không chấp thuận.
Nếu chấp thuận thì cũng giống như là cấp giấy phép thôi. Việc này còn làm nảy sinh trường hợp, anh chấp thuận hay không tôi vẫn làm. Do đó, sẽ ảnh hưởng tới quyền xây dựng đất hợp pháp của người khác, người ta có sổ đỏ nhưng anh xây lên không cần giấy phép.
Việc xây không cần giấy phép sẽ có những khoảng chồm ra không gian công cộng hoặc chỗ cửa sổ hoặc bịt lối đi chung của BĐS liền kề ở phía trong, lúc đó sẽ rất rắc rối...
PV: Ông vừa cho rằng, việc bỏ cấp phép xây dựng sẽ ảnh hưởng đến BĐS liền kề. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
Luật sư Phạm Công Út: Nếu có giấy phép kèm theo bản vẽ thiết kế, buộc người xây dựng phải làm theo. Còn không họ làm theo ý của họ, ảnh hưởng đến BĐS liền kề. Họ sẽ trổ cửa sổ ảnh hưởng tới nhà kế bên.
Một ví dụ khác, nếu họ có thửa đất nằm ở phía ngoài, BĐS liền kề nằm ở phía trong, thửa đất đó họ cho là của họ, họ xây bịt hết, phía trong sẽ không có lối đi. Như vậy, nếu có giấy phép người ta sẽ chỉ cho họ xây dựng trong phần nào còn không họ sẽ dùng “luật” của họ. Người ở phía ngoài sẽ xây choán hết, che hẳn lối đi của phía trong.
Đây là tác hại của không có giấy phép. Giấy phép bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế, thi công... Khi loại trừ việc đó sẽ tạo sự bùng nổ về xây dựng, mạnh ai lấy làm.
Một ví dụ nữa, miếng đất đó có thể chưa có quyền sử dụng đất nhưng lại nằm trong giấy tờ xa xưa của BĐS liền kề. Bây giờ họ xây dựng không cần giấy phép sẽ trồng lấn lên BĐS liền kề.
PV: Vậy phải giải quyết những trường hợp đó như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Công Út: Ở đây có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, chỉ áp dụng không cấp giấy phép đối với những nhà tạm bợ, cấp 4, chứ không phải là tất cả các loại nhà.
Vấn đề thứ hai, nếu không cần cấp phép, sau đó có tranh chấp các bên phải đưa nhau ra tòa giải quyết.
Đối với việc cấp giấy phép khi vi phạm người ta có thể tạm đình chỉ, rút phép nhưng không cấp phép thì những biện pháp đó bị loại bỏ.
Hiện nay sửa chữa cũng có giấy phép. Xây dựng nhà lớn, nhỏ cũng có giấy phép. Chính quyền địa phương có độc quyền xin – cho nên ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Nếu bỏ giấy phép thì chỉ nên bỏ một số trường hợp chứ không nên bỏ tất cả.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!