Bình Phước: Giám sát chặt những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự

(BĐT) - Từ năm 2017 về trước, Bình Phước được xem là “vùng trắng” về đấu thầu qua mạng (ĐTQM). Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, những con số về ĐTQM tại địa phương này đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Phước về vấn đề này.
Năm 2019, tỉnh Bình Phước đạt kết quả đáng khích lệ về tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng là 72,7%, đứng đầu cả nước. Ảnh: Bùi Liêm
Năm 2019, tỉnh Bình Phước đạt kết quả đáng khích lệ về tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng là 72,7%, đứng đầu cả nước. Ảnh: Bùi Liêm

Bình Phước đã triển khai những công việc gì để đạt được kết quả ĐTQM ấn tượng trong năm 2019, thưa ông?

Gần 10 năm kể từ ngày triển khai thí điểm thực hiện ĐTQM và Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM giai đoạn 2016 - 2025, đến hết năm 2017, Bình Phước vẫn là “vùng trắng” về ĐTQM. Trong giai đoạn này, các đơn vị trên địa bàn Tỉnh vẫn còn khó khăn về trang bị kỹ thuật, hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ công tác ĐTQM. Hầu hết các chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT) chưa quen, hoặc ngại ĐTQM, nên Tỉnh triển khai chậm so với lộ trình của Chính phủ. Năm 2018, Bình Phước chỉ có 18 gói thầu ĐTQM, chiếm tỷ lệ 3,5%, là đơn vị đứng thấp nhất cả nước.

Bình Phước: Giám sát chặt những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự ảnh 1
Ông Võ Sá
Tuy nhiên, Bình Phước luôn xác định ĐTQM là xu hướng phát triển tất yếu của công tác đấu thầu, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế... Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND Tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, nhất là chất lượng, dung lượng và tốc độ đường truyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về kiến thức ĐTQM; hỗ trợ về kỹ thuật, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện ĐTQM.

Tỉnh chủ động phối hợp với Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tổ chức các khóa đào tạo cho hơn 700 học viên thực hiện công tác đấu thầu. Sở KH&ĐT rà soát một cách chặt chẽ, các gói thầu đủ điều kiện, tiêu chí là phải ĐTQM, kiên quyết từ chối thẩm định các gói thầu đủ điều kiện ĐTQM mà các BMT không đề nghị.

Tỉnh Bình Phước xem công tác này là tiêu chí để bình xét cuối năm của cá nhân, tập thể, đơn vị. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, từ đó dần thay đổi quan niệm, sự quan tâm của các đơn vị về ĐTQM, từng bước đưa ĐTQM dần trở thành hình thức đấu thầu phổ biến trên địa bàn.

Năm 2019, tỉnh Bình Phước đạt kết quả đáng khích lệ về tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng là 72,7% (đứng đầu cả nước), về số lượng đứng thứ tư cả nước với tỷ lệ 61,9% (cả nước đạt 19,8%).

Những CĐT nào tại Bình Phước đã quyết liệt đưa ĐTQM dần trở thành hình thức đấu thầu phổ biến?

Nhìn chung, các CĐT trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện quyết liệt kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng ĐTQM. Nhiều gói thầu có giá trị lớn nằm ngoài tiêu chí bắt buộc nhưng CĐT vẫn chủ động đề xuất và thực hiện ĐTQM. Điển hình như UBND huyện Lộc Ninh, một huyện biên giới, chưa quen với ĐTQM, nhưng chủ động đề xuất thực hiện ĐTQM gói thầu xây lắp quy mô lớn có giá trị trên 185 tỷ đồng, nằm ngoài hạn mức.   

Dù đạt được kết quả tích cực về ĐTQM, nhưng Bình Phước đang gặp tình trạng khá phổ biến là các gói thầu thường chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Giải pháp để tăng tính cạnh tranh của các cuộc thầu đấu qua mạng trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất, giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ nhà thầu tham gia ĐTQM rất thấp (chỉ chiếm 4,6%). Điều này cho thấy nhiều nhà thầu chưa thực sự quan tâm, tham dự các gói thầu ĐTQM. Một số thông báo mời thầu qua mạng rơi vào các ngày lễ, tết cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số gói thầu có ít nhà thầu tham dự.

Thứ hai, sự hạn chế của các nhà thầu là doanh nghiệp địa phương vốn quen với đấu thầu truyền thống, hạn chế về công nghệ thông tin.

Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ thường xuyên giám sát việc triển khai ĐTQM tại các tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, xử lý nghiêm CĐT/BMT và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.

Chuyên đề