Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018-2022.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (gọi tắt là Hiệp định ATIGA), đã được ký kết ngày 26/2/2009 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14, tại Thái Lan giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê duyệt thực hiện Hiệp định ATIGA và có hiệu lực kể từ ngày 17 /5/ 2010.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong Hiệp định ATIGA, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2016/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016.

Ngày 28/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 109/NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (Danh mục AHTN 2017) trong đó quy định ”Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Danh mục AHTN 2017”. Danh mục AHTN 2017 được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung danh mục AHTN 2012 nhằm cập nhật kịp thời những thay đổi về công nghệ, thương mại và phân loại hàng hóa để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu thị trường; đảm bảo hài hòa với hệ thống mô tả, chú giải và mã hàng quốc tế giai đoạn mới.

Từ các nội dung nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng việc ban hành Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ATIGA giai đoạn 2018 – 2022, thay thế Nghị định số 129/2016/NĐ-CP là cần thiết, đảm bảo tính đồng bộ khi áp dụng Danh mục AHTN 2017 giữa các biểu thuế.

Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định

Theo Bộ Tài chính, thuế suất ATIGA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN. Theo lộ trình cam kết, thuế suất trung bình của biểu thuế ATIGA giai đoạn 2015-2017 là 0,96% và giai đoạn 2018 - 2022 là 0,06%. Thuế suất giai đoạn 2018-2020 giảm 0,9% so với giai đoạn 2015-2017.  Theo cam kết, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018.

Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định bao gồm toàn bộ các mặt hàng ta đã cam kết cắt giảm trong ATIGA, trong đó có 9.107 dòng giữ nguyên mã hàng, mô tả và nước không được hưởng như biểu thuế đã được ban hành kèm theo Nghị định số 129/2016/NĐ-CP do không chịu tác động của việc chuyển đổi từ Danh mục AHTN 2012 sang AHTN 2017. Thuế suất cụ thể cho từng mặt hàng là mức thuế suất cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan.

Do thay đổi Danh mục từ AHTN 2012 sang AHTN 2017, biểu thuế bao gồm 364 dòng hàng ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đối với những dòng hàng này, Bộ Tài chính đã xây dựng thuế suất theo nguyên tắc không làm xói mòn cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo chính sách mặt hàng chung của Nhà nước.

Nhóm hàng chính có sự thay đổi thuế suất khi chuyển đổi Biểu thuế ATIGA theo AHTN 2017 là: Máy móc và thiết bị điện. Bộ Tài chính đã tuân thủ các nguyên tắc xây dựng thuế suất đảm bảo lợi ích và bảo lưu cam kết thuế quan của Việt Nam theo Hiệp định ATIGA.

Chuyên đề