Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: TTXVN |
Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu nêu quan điểm về việc bảo đảm quyền lợi cho người bị oan sai, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bồi thường giữa cán bộ thực thi công vụ và người dân.
Cân bằng lợi ích giữa các bên
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá, thời gian qua, có nhiều vụ oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén nhưng quá trình thực hiện việc giải quyết bồi thường cho những nạn nhân này khó khăn. Đại biểu nêu những vụ việc như trên thường liên quan đến nhiều loại chi phí, có những thiệt hại không thể đo bằng tiền; thời gian giải quyết có lúc nhanh, nhưng cũng có khi rất lâu mới khắc phục được, thậm chí những vụ án phức tạp đến mức không thể giải quyết, dẫn đến chuyện phải trao đổi, thương lượng với nhau nhiều lần.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích, một người đi tù mất đi rất nhiều thứ, trở về, gia đình đã tan nát, tài sản tiêu tan... Trước hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn phải tiếp tục quá trình đi đòi bồi thường, mà trước đó, họ cùng người thân chỉ biết kêu oan chứ không tính đến chuyện mình có được bồi thường hay không.
Đại biểu cho rằng, không nên yêu cầu người bị oan sai phải xuất trình hóa đơn liên quan đến các chi phí trong thời gian kêu oan như đi lại, thuê luật sư… Điều kiện đó gây nhiều bất lợi và khó khăn lớn đối với người dân.
“Cơ quan có trách nhiệm bồi thường nên tính toán làm sao để cân bằng được lợi ích trong việc giải quyết các sai phạm. Nhà nước có những loại thuế khoán, vì vậy, với những trường hợp này, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán ra một giá trị trung bình, đảm bảo người dân không thiệt, Nhà nước cũng không phải chi vượt quá mức độ cho phép”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Bàn về vấn đề tạm ứng cho những cá nhân bị oan sai, được bồi thường để duy trì cuộc sống và có nền tảng mưu sinh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc này rất nên làm và cần thiết vì đối với nhiều người, để đến được công lý, chứng minh được sự trong sạch cho mình, họ đã kiệt quệ về tài chính cũng như tinh thần, tình cảm và sức khỏe, thậm chí không còn khả năng tự mưu sinh. Vì thế, Nhà nước cần có nhưng giải pháp hài hòa để khôi phục lại thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng khi bị oai sai trong nhiều năm.
Đề cập đến việc bồi thường về tinh thần cho những cá nhân bị oan sai vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc này rất khó khăn và cũng chỉ mang tính chất ước lệ, vì tinh thần rất khó để cân đo, đong đếm. Đại biểu đề xuất giải pháp, Nhà nước nên căn cứ vào mức độ thiệt hại của từng trường hợp cụ thể (đi tù, bị xâm phạm cơ thể, bị sa thải, mất chức, mất danh dự...) để tính toán, đưa ra cách giải quyết phù hợp giúp người bị oan dần dần khắc phục hậu quả.
Đại biểu khẳng định, pháp luật chỉ quy trách nhiệm theo lỗi vi phạm chứ không dựa trên khả năng chi trả của người phạm tội, vì vậy, những cá nhân là cán bộ có thẩm quyền gây ra oan sai phải chịu mức bồi thường lớn là quy định pháp luật cần phải thực hiện nghiêm túc. Trước hết Nhà nước đứng ra bồi thường, sau đó quy trách nhiệm cho những cán bộ, cá nhân gây ra thiệt hại trong quá trình thực thi công vụ từ lĩnh vực quản lý nhà nước cho đến lĩnh vực tố tụng hình sự, thi hành án.
Đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bồi thường
Khẳng định mỗi cá nhân đều phải bình đẳng trước pháp luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chỉ ra sự bất cập trong việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường khi gây ra sai phạm. Hiện nay, người dân gây ra thiệt hại, họ phải bồi thường với 100% mức xử phạt được ấn định, trong khi cán bộ công chức mắc sai phạm khi thực thi công vụ phải có nghĩa vụ bồi thường lại được thực hiện theo cách trừ lương từ 10% đến 30% hàng tháng. Điều này khiến nhiều cử tri có ý kiến cần phải được xem xét lại để đảm bảo sự công bằng giữa người dân và cán bộ khi thực hiện nghĩa vụ trước pháp luật.
“Điều kiện của cán bộ công chức vốn đã tốt hơn dân thường, nhưng luật lại cho phép họ được bồi thường dần, với mức độ rất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, trong khi người dân phải vay mượn, thậm chí chấp nhận bán hết bán tài sản để chi trả cho sai phạm của mình là rất bất công”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu phân tích.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đề cập đến trách nhiệm hoàn trả của công chức, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu rõ: Trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự, nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại thì tùy vào mức độ lỗi (vô ý hoặc cố ý) và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ, người đó sẽ phải hoàn trả một khoản tiền theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.
Theo đại biểu, quy định của dự thảo mới đã nêu lên mức độ lỗi và số tiền Nhà nước phải bồi thường, nhưng cần bổ sung thêm quy định về tính chất, hành vi của người gây thiệt hại và vai trò của họ trong vụ việc để xác định được mức độ một cách khách quan.
Đại biểu đề nghị, đối với trường hợp lỗi vô ý gây thiệt hại, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, phải nâng mức hoàn trả từ 3 đến 5 tháng lương lên từ 5 đến 10 tháng lương để tăng cường trách nhiệm pháp lý, đảm bảo tính răn đe, đủ mạnh của pháp luật trong việc gắn trách nhiệm của người gây ra thiệt hại cho người khác.