Bê bối ở BOT Thanh Nê đến hồi kết?

(BĐT) - Sau hơn 1 tháng cho phép Công ty CP Tasco Nam Thái thực hiện thu phí tại Trạm thuộc Km13+250 đường 39B tại Quyết định số 3897/QĐ-UBND ngày 23/12/2016, UBND tỉnh Thái Bình đã phải ra thêm 1 quyết định nữa (Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 6/2/2017) thay thế quyết định trước đó nhằm “xoa dịu” những bức xúc của người dân liên quan đến việc thu phí qua Trạm BOT Thanh Nê.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Từ dự án BT thành dự án BOT

Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 39B được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010, tổng mức đầu tư ban đầu là 2.072 tỷ đồng. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán cho nhà đầu tư là Công ty CP Tasco Nam Thái từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Đến tháng 9/2014, Dự án đã thực hiện được khoảng 1.250 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, do giá cả đầu vào, chi phí GPMB tăng cùng với việc Dự án phải điều chỉnh thiết kế nên tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 2.602 tỷ đồng.

Do khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ chỉ bố trí cho Dự án số vốn là 1.437 tỷ đồng, số vốn còn thiếu lên tới 1.165 tỷ đồng. Ngày 6/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, khi đó là ông Phạm Văn Sinh, đã ký Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BT+BOT để giải quyết khó khăn về vốn. Theo đó, sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh 445 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí trong 21 năm để hoàn vốn.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, Phó Trưởng phòng Phòng Công thương, xây dựng, giao thông thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, do Dự án ban đầu làm theo hình thức BT, nhà đầu tư đang thi công trên toàn tuyến thì hết vốn nên phải chuyển đổi hình thức đầu tư hỗn hợp. Có thể hiểu nôm na, cùng một đoạn đường, nhưng cốt nền là vốn BT, mặt đường là vốn BOT, không thể tách bạch. “Đây là việc cực chẳng đã” – ông Phúc chia sẻ. 

Trạm BOT “tai tiếng”

Ngày 23/12/2016, UBND tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 3897/QĐ-UBND cho phép Công ty CP Tasco Nam Thái thực hiện thu phí tại trạm thuộc Km13+250 đường 39B đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) và đoạn từ đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) để hoàn vốn cho Dự án. Việc thu phí được bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào sử dụng và thu phí, Trạm BOT Thanh Nê đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết, do lượng xe cộ đi qua Dự án không nhiều nên phải đặt Trạm thu phí ở vị trí thu được nhiều xe. “Cách hiểu nhà đầu tư xây 2 trạm thu phí là sai. Chúng tôi khẳng định vẫn chỉ có một trạm, nhưng chia làm hai nhánh. Dù vị trí đặt trạm có hơi “tận thu” nhưng vẫn nằm trong Dự án, vẫn đúng quy định của pháp luật”, ông Phúc khẳng định.

Thực tế, mặc dù tại Mục 2 Điều 1 Quyết định số 3897/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình đã nêu rõ, miễn thu phí 100% với các phương tiện giao thông dưới 12 chỗ, xe buýt vận tải khách công cộng và giảm đến 50% phí thu đối với các loại xe còn lại có đăng ký xe thuộc địa phận thị trấn Thanh Nê và xã Bình Minh (huyện Kiến Xương), tuy nhiên, ngay khi quyết định này có hiệu lực, các chủ phương tiện đã phản đối quyết định thu phí kiểu “khuyến mại” có một không hai như vậy.

Kết quả, sau 1 tháng tiến hành thu phí, giảm phí, UBND tỉnh Thái Bình đã phải ra Quyết định số 326/QĐ-UBND ngày 6/2/2017 (thay thế Quyết định số 3897/QĐ-UBND ngày 23/12/2016) để “xoa dịu” những bức xúc của người dân.

Theo đó, tất cả các phương tiện vận tải (xe chở người, chở hàng hóa) của các hộ dân có đăng ký phương tiện tại tỉnh Thái Bình và có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các huyện Kiến Xương và Tiền Hải; các phương tiện vận tải của các doanh nghiệp vận tải có đăng ký phương tiện và có đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện Kiến Xương, huyện Tiền Hải… sẽ được miễn 100% giá sử dụng dịch vụ đường bộ khi qua Trạm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lương Thế Dân, Giám đốc Công ty CP Tasco Nam Thái thừa nhận, khi người dân khu vực lân cận lưu thông hàng ngày trên tuyến ngắn mà vẫn chịu mức giá tối đa thì chưa được phù hợp lắm, cần phải điều chỉnh. Ông Dân cho biết thêm, thực hiện quyết định điều chỉnh, thời gian tới, để đảm bảo việc tham gia lưu thông qua Trạm thuận lợi, các đối tượng trong diện được miễn trên 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải cần mang hộ khẩu, đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập doanh nghiệp trên địa bàn 2 huyện này kèm theo đăng ký phương tiện đến để được cấp thẻ ưu tiên qua Trạm.

Song, ông Dân chia sẻ, việc miễn thu phí cho người dân 2 huyện khi qua Trạm cũng ảnh hưởng đến doanh thu và việc hoàn vốn của Dự án. Theo tính toán, từ ngày 1/1/2017 - 25/1/2017, doanh thu của Trạm thu phí là 3,2 tỷ đồng kể cả vé lượt, vé tháng, vé quý. Công ty đang xúc tiến việc trả lại tiền cho người dân trong đối tượng được miễn phí lưu thông qua Trạm. “Sau khi hoàn trả lại vé quý cho người dân,  thì doanh thu trong 25 ngày đầu của tháng 1 kể từ khi Trạm đi vào hoạt động là khoảng 3 tỷ đồng” – ông Dân cho biết.

Trước ảnh hưởng của việc giảm doanh thu, ông Dân cho biết, sau khi ổn định được đối tượng miễn thu phí, Công ty sẽ tính toán cụ thể doanh thu trong các tháng tiếp theo để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn.                 

Chuyên đề