Bất thường chuyện nhà thầu sử dụng nhân sự “lạ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lợi dụng sự thông thoáng của quy định pháp luật, tình trạng nhà thầu sử dụng nhân sự, kê khai nhân sự của người khác để làm đẹp hồ sơ dự thầu (HSDT) đang diễn ra phổ biến. Khi các bên mời thầu xác minh thì nhiều nhân sự đang có hợp đồng lao động với doanh nghiệp khác, thậm chí có nhân sự cho biết hoàn toàn không liên quan đến nhà thầu dự thầu.
Thực tế tại nhiều gói thầu, sau khi trúng thầu, nhà thầu sử dụng nhân sự chủ chốt không khớp với hồ sơ dự thầu, thậm chí không huy động được nhân sự đã kê khai. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Thực tế tại nhiều gói thầu, sau khi trúng thầu, nhà thầu sử dụng nhân sự chủ chốt không khớp với hồ sơ dự thầu, thậm chí không huy động được nhân sự đã kê khai. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Thông tin đến phóng viên, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu và các đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp cho biết, hành vi sử dụng nhân sự “lạ” của các nhà thầu gây mất thời gian và khó xử cho bên mời thầu.

Đơn cử, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Võ Gia được giao làm bên mời thầu Gói thầu lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng có giá trị 2,42 tỷ đồng tại Bình Dương. Thời điểm mở thầu có 3 nhà thầu nộp HSDT. Trong đó, 1 nhà thầu đề xuất 2 nhân sự chủ chốt có ký hợp đồng không xác định thời hạn với nhà thầu. Tuy nhiên, qua xác minh, 2 nhân sự chủ chốt lại đang có hợp đồng lao động với một trường đại học trên địa bàn Tỉnh. Hợp đồng lao động giữa Nhà thầu và nhân sự thể hiện thời gian làm việc là 22 ngày/tháng, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Như vậy, 2 nhân sự này đều thuộc biên chế của Nhà thầu lẫn trường đại học.

Để chứng minh khả năng huy động 2 nhân sự này cho việc thi công Gói thầu, Bên mời thầu đã yêu cầu Nhà thầu cung cấp tài liệu, văn bản xác nhận của trường đại học đang ký hợp đồng lao động về thời gian làm việc cụ thể, chế độ của nhân sự đến thời điểm hiện tại và đến thời điểm tối thiểu bằng thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu. Tuy nhiên, Nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu này và cho biết, các nhân sự sẽ sắp xếp thời gian tùy theo tính chất công việc để hoàn thành Gói thầu. Nhà thầu hoàn toàn bị động trong việc huy động nhân sự.

“Việc yêu cầu làm rõ và nhà thầu không chứng minh được khả năng sắp xếp nhân sự làm mất nhiều thời gian, khiến việc đánh giá HSDT kéo dài hàng tháng trời. Cả Chủ đầu tư và Bên mời thầu đều rất sốt ruột”, Bên mời thầu than thở.

Tại Tiền Giang, Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và Đầu tư xây dựng Nhà Xinh cũng đang gặp tình huống tương tự khi mời thầu Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Công trình cải tạo, sửa chữa trụ sở Công an phường Phú Tân, Công an phường Phú Khương, Công an Phường 8 thuộc Công an TP. Bến Tre. “Nhà thầu kê khai 3 nhân sự chủ chốt đủ năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, xác minh cho thấy, 3 nhân sự này đang là lao động toàn thời gian cho 2 doanh nghiệp khác. Nhà thầu cũng không thể chứng minh khả năng huy động 3 nhân sự khi thời gian thi công Gói thầu hoàn toàn trùng khớp với thời gian quy định theo hợp đồng lao động mà nhân sự ký với các doanh nghiệp khác. Bên mời thầu đã yêu cầu làm rõ nhiều lần và cuối cùng đánh giá nhà thầu không đạt”, Bên mời thầu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số bên mời thầu cho rằng, xác minh về nhân sự mất nhiều thời gian, phức tạp và khó kết luận bậc nhất. “Việc sử dụng nhân sự hiện nay của nhà thầu là rất đáng báo động. Bởi qua xác minh, nhiều trường hợp nhân sự hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhà thầu kê khai. Tuy vậy, trong các trường hợp này, bên mời thầu không thể kết luận nhà thầu gian lận”, đại diện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp TP.HCM cho biết.

Theo một chuyên gia đấu thầu, quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT cũng như các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu khi dự thầu. Việc không bắt buộc nhà thầu phải ký hợp đồng lao động dài hạn, chứng minh nghĩa vụ bảo hiểm xã hội cho nhân sự là tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng lao động, giảm chi phí cho nhà thầu. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà thầu dễ dãi, buông lỏng trong việc huy động nhân sự để dự thầu. Bởi nhà thầu phải đảm bảo tính trung thực, tính khả thi và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc sử dụng lao động. Thực tế tại rất nhiều gói thầu, sau khi trúng thầu, nhà thầu sử dụng nhân sự chủ chốt không khớp với HSDT, thậm chí không huy động được nhân sự đã kê khai.

Về việc nhân sự cam kết không liên quan đến nhà thầu, chuyên gia này cho biết, cần xem xét kỹ các tài liệu chứng minh năng lực của nhân sự (hợp đồng từng thực hiện, xác nhận của chủ đầu tư…) có đủ tính pháp lý hay không. Sau khi xác minh, làm rõ, nếu thuộc các trường hợp cung cấp thông tin không trung thực, vi phạm hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu thì nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Chuyên đề