Bất ổn kinh tế Nhật khi không công ty nào phá sản

Việc không doanh nghiệp nào trong số 4.000 công ty niêm nộp đơn bảo hộ phá sản lại không phải tín hiệu cho thấy nước Nhật có thể ăn mừng.
Tín dụng dễ dãi của Nhật Bản đang giúp nhiều công ty yếu kém duy trì hoạt động. Ảnh:Reuters
Tín dụng dễ dãi của Nhật Bản đang giúp nhiều công ty yếu kém duy trì hoạt động. Ảnh:Reuters

Năm tài chính 2016 tại nước này vừa kết thúc cuối tháng 3, với toàn bộ 4.000 công ty niêm yết đều tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc này lại cho thấy chính sách tín dụng dễ dãi của Nhật Bản đang cản đường quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp cần thiết, để đào thải các công ty làm ăn kém hiệu quả và chào đón các công ty mới.

"Việc này cực kỳ không ổn", Martin Schulz - nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Fujitsu nhận xét, "Vòng đời của các doanh nghiệp Nhật Bản đang dừng lại. Không công ty cũ nào bị đào thải, cũng chẳng có công ty mới nào chen vào được vì hết chỗ. Các công ty lâu năm luôn cạnh tranh được về giá cả, đơn giản là vì họ có thể".

Lần cuối cùng Nhật Bản rơi vào tình trạng này là giai đoạn 4 năm liên tục cách đây 26 năm, theo hãng nghiên cứu Teikoku Databank. Khi đó, nền kinh tế này phát triển quá nóng, với tốc độ trung bình 5,5% một năm, sau đó đột ngột lao dốc khi bong bóng giá cổ phiếu và bất động sản vỡ vụn.

Còn lần này, lãi suất cực thấp và các khoản bảo lãnh đi vay của Chính phủ tồn dư từ khủng hoảng tài chính toàn cầu đang giúp các công ty nước này tồn tại. Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe cho rằng ít doanh nghiệp thất bại là một thành công kinh tế.

Tuy nhiên, những người chỉ trích thì cho rằng tín dụng quá dễ dãi đã tạo ra những công ty xác sống. Đây là các công ty gần phá sản vẫn được cứu trợ để duy trì hoạt động, hoặc chỉ tạo ra đủ lợi nhuận trả lãi mà không giảm được nợ gốc.

Việc này đang gây ra tình trạng thiếu thốn lao động nghiêm trọng. Cạnh tranh quá mức cũng khiến giá cả chịu áp lực giảm. Nhật Bản được cho là đang mắc kẹt trong một vũng bùn, khi không chấp nhận nỗi đau kinh tế cần thiết để hồi sinh.

Dĩ nhiên, họ cũng không phải quốc gia duy nhất liên tục tung phao cứu sinh cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu hồi tháng 1 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đổ lỗi cho các công ty xác sống làm chậm năng suất và kéo tụt tăng trưởng tại các nước phát triển. Các Chính phủ thường sợ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nếu quá nhiều công ty phá sản.

Ở  Hàn Quốc, nơi ngành đóng tàu chịu ảnh hưởng nặng khi thương mại toàn cầu đi xuống, các ngân hàng quốc doanh tháng trước đã đồng ý cho Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering vay 2,6 tỷ USD và hoán đổi nợ lấy cổ phiếu cho công ty này, để ngăn phá sản. Đây là lần thứ 2 trong gần 2 năm hãng tàu này phải nhận cứu trợ.

Tại Trung Quốc, gần 10% công ty niêm yết cũng rơi vào tình trạng trên. Họ được duy trì hoạt động bằng các khoản cứu trợ liên tục từ Chính phủ và các ngân hàng, theo một nghiên cứu của He Fan - nhà kinh tế học tại Đại học Nhân dân.

Ở Nhật Bản, tình trạng này được đánh giá nguy hiểm hơn nhiều. Tỷ lệ đóng cửa và thành lập mới doanh nghiệp tại đây chỉ vào khoảng 5% - bằng một phần ba các nước phát triển khác, báo cáo của OECD cho biết.

Nhìn tổng thể, số doanh nghiệp Nhật Bản phá sản đã giảm 8 năm liên tục, số liệu của Teikoku Databank cho biết. "Tốc độ này không hề tự nhiên chút nào", Schulz kết luận. 

Chuyên đề