Vùng ven Hà Nội: Cơ hội có chia đều?

(BĐT) - Lướt qua các thông tin rao bán và lời chào mời từ môi giới, thị trường tưởng như đang có sóng lớn ở nhiều khu vực vùng ven Hà Nội. Thế nhưng, mức độ tăng giá và giao dịch thực tế không hẳn như vậy. Thị trường vùng ven được nhận định là vẫn có tiềm năng nhưng phần thắng chưa chắc đã dành cho tất cả mọi người.
Thị trường có 2 mảng giao dịch tốt là căn hộ giao ngay giá trung bình thấp và đất nền khu đô thị mới. Ảnh: Tiên Giang
Thị trường có 2 mảng giao dịch tốt là căn hộ giao ngay giá trung bình thấp và đất nền khu đô thị mới. Ảnh: Tiên Giang

Cẩn trọng với chiêu trò thổi giá

“Nên mua đất ở phía Tây Hà Nội, đặc biệt là các dự án gần Láng - Hòa Lạc. Khu vực này bị chững lại trong một vài năm gần đây và bây giờ đang từ từ có sóng kể từ khi đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với TP. Việt Trì (Phú Thọ) chính thức được thông xe đưa vào sử dụng. Nhiều dự án rất tiềm năng ở khu vực này mà giá vẫn còn khá mềm” - đó là lời mời chào của một môi giới tại một sàn bất động sản Hà Nội.

Trong khi đó, dạo quanh các sàn bất động sản trực tuyến cho thấy, nhiều lô đất nền tại các dự án thuộc khu vực này đã được rao bán từ nhiều tháng trước mà chưa có người mua. 

Từ một góc khác của thị trường, tại bốn huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) được đề xuất lên quận vào năm 2020, giá đất cũng được chào với mức tăng khá cao so với giữa năm ngoái.

Tại Hoài Đức, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá 120 - 130 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm cuối năm 2017 giá chào bán là 80 - 110 triệu đồng/m2. Chủ một lô đất tại Trạm Trôi cho biết, gần 3 tháng qua đã rao bán một lô đất với giá 130 triệu đồng/m2, cao hơn so với cuối năm 2017 là 15 triệu đồng/m2 nhưng chỉ có một vài cò đất đến hỏi chứ không có khách đến hỏi mua.

Đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động từ 55 - 65 triệu đồng/m2, trong khi đầu năm 2018 chỉ 30 - 40 triệu đồng/m2. Tại Đông Anh, giá đất cũng bị đẩy lên khá cao với mức tăng từ 30 - 50% tùy vị trí tính từ thời điểm giữa năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế không lớn và giá giao dịch thực tế tăng không đáng kể.

Bên cạnh đó, một số khu vực vùng ven ăn theo các dự án đô thị lớn cũng rục rịch tăng giá. Ông Nguyễn Hoài Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Phát triển thương mại bất động sản Newstar Land cho biết, từ giữa năm ngoái đến nay, giá đất tại Kiêu Kị (huyện Gia Lâm) hay Đại Mạch (huyện Mê Linh) có tín hiệu tăng khá mạnh “ăn theo” tin một số dự án lớn đang được triển khai xây dựng ở khu vực lân cận.

“Khi chủ các dự án đầu tư được phê duyệt thực hiện dự án, họ sẽ triển khai xây dựng hạ tầng, nhờ đó, các vùng phụ cận cũng có thể hưởng lợi nên giá đất tăng theo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mức độ tăng còn phụ thuộc từng vị trí và thị trường thực tế. Người mua cần xem xét cẩn trọng”, ông Linh nói. 

Diễn biến thực tế thị trường trong nhiều năm qua cho thấy, các môi giới, hoặc chủ sở hữu đang có hàng hóa cần bán thường tận dụng những thông tin về quy hoạch dự án, hạ tầng để đẩy giá bán. Không ít nhà đầu tư bất động sản tin theo các lời mời chào như trên mà thiếu sự xem xét cẩn trọng nên đã từng chịu thiệt thòi.

“Bất động sản ở những khu vực đó không hẳn là không có tiềm năng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng xem xét về thời gian khả thi của các điều kiện về hạ tầng đó cùng với tiềm lực nguồn vốn của mình, từ đó có quyết định đúng để nắm bắt cơ hội sinh lời tốt nhất”, ông Linh chia sẻ. 

Tìm kiếm cơ hội tốt

Nhận xét về xu hướng thị trường bất động sản tại Hà Nội từ năm ngoái đến nay, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thị trường có 2 mảng giao dịch tốt là căn hộ giao ngay giá trung bình thấp và đất nền khu đô thị mới. Đây là hai phân khúc thị trường có nhu cầu thật và khả năng thanh toán thật.

Đồng thời, thị trường cũng có sự dịch chuyển về địa bàn và sản phẩm. Khi các nhà đầu tư không tìm thấy cơ hội tốt ở phía Tây thì họ sẽ chuyển sang phía Đông, điều này không hẳn là thị trường nọ thay thế cho thị trường kia mà chỉ là sự tìm kiếm cơ hội thay thế.

“Thay vì những căn hộ siêu sang cỡ lớn như trước đây, xu hướng căn hộ siêu sang mới hiện nay là các căn hộ cỡ vừa nhưng nằm trong các dự án cao cấp ở nội đô và nhà phố ở nội đô. Phố ở đây được hiểu là bao gồm cả phố cổ và phố cũ (rõ nét nhất là 4 quận nội thành cũ của Hà Nội), không gồm các phố mới ở các địa bàn mới lên đô thị”, ông Chung phân tích và nhấn mạnh: “Năm nay, thị trường khó có thể có sóng to dù vẫn có cơ hội ở nơi này nơi khác. Xét về tính phát triển bền vững, biểu hiện như vậy là ổn định và lành mạnh cho thị trường”.

Chuyên đề