Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản Việt Nam

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN bao gồm cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỉ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đầu tư FDI vào bất động sản trong năm nay sẽ tăng mạnh
Vốn đầu tư FDI vào bất động sản trong năm nay sẽ tăng mạnh

Riêng vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 345,5 triệu USD, chiếm 10,1% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay và tăng gấp gần 12 lần so với mức 29,07 triệu USD của cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là lĩnh vực tiếp tục đứng thứ hai thu hút vốn FDI tại Việt Nam. Còn nếu tính lũy kế tới tháng 2/2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút được 52,4 tỉ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư FDI.

Trong đó có một số dự án xây dựng lớn được cấp phép như: Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang...

Hiện chưa có công bố chính xác về danh sách các doanh nghiệp đã đổ vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài phần lớn đều đổ mạnh vào phân khúc cao cấp. Dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan với các doanh nghiệp như Maeda, Tập đoàn Mitsubishi, Creed Group (Nhật Bản), CapitaLand, Keppel Land, Mapletree (Singapore), Tập đoàn Mitsubishi…

Theo TSKH-GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có hai lý do khiến thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, dự báo tầng lớp trung lưu của VN tăng nhanh, từ 12 triệu vào năm 2012 lên đến 33 triệu trong năm 2020.

Thứ hai, hàng loạt chính sách liên quan như cho người nước ngoài sở hữu nhà đã tạo tâm lý tin tưởng cho nhà đầu tư. “Nhà ở phân khúc cao cấp đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng tỷ suất sinh lợi từ 7 - 8% trong khi ở nước họ chỉ 1 - 2%. Đây là yếu tố thu hút nhà đầu tư ngoại”, GS Mại nhận xét.

Liên quan đến các dự báo phân khúc nhà cao cấp bị bão hòa trong thời gian tới, ông Mại cho rằng lo ngại này là hơi thừa. FDI vẫn sẽ phát triển mạnh vào phân khúc này. Bằng chứng là nhiều thương vụ mua bán diễn ra rầm rộ trong năm qua liên quan đến nhiều dự án nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

“Cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2008 - 2012 đã “dạy” nhà đầu tư nhiều, chỉ có các nhà đầu cơ mua đi bán lại mới bị phá sản” – GS Mại cho biết.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, qua trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư, tôi nhận thấy các nhà đầu tư ngoại luôn cho rằng thị trường nhà ở tại VN với hơn 90 triệu dân vẫn là miếng bánh hấp dẫn để họ theo đuổi. Đặc biệt, khi một số chính sách về nhà ở của chúng ta đã được tháo gỡ, như cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN, mở cửa đầu tư casino, khuyến khích đầu tư vào nhà thu nhập thấp...

“Ngoài nhu cầu lớn, Việt Nam vẫn đang có xu hướng đô thị hóa mãnh liệt, Chính phủ quyết tâm xây dựng nền công nghiệp không khói làm ngành mũi nhọn cho phát triển… cũng là phần tích cực đóng vai trò quan trọng trong tác động vào quyết tâm theo đuổi của nhà đầu tư” - ông Thắng nói.

Năm 2016, FDI vào bất động sản có phần chững lại so với năm 2015. Nhưng năm 2017, với nhiều sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đang ở mức cao. Nhiều chuyên gia dự đoán vốn đầu tư FDI vào bất động sản trong năm nay sẽ tăng mạnh.

Chuyên đề