Vì sao Bộ Tài chính chọn 700 triệu đồng là ngưỡng không chịu thuế nhà?

Một trong số những điểm khiến nhiều người thắc mắc chính là ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng đối với nhà đã được cơ quan soạn thảo tính toán dựa trên cơ sở như thế nào?
Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng. (Ảnh minh hoạ)
Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng. (Ảnh minh hoạ)

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến về Dự án Luật Thuế tài sản với 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Đồng thời, những người sở hữu sẽ phải nộp thuế 0,3% đến 0,4% đối với toàn bộ giá trị đất.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng.

Sau khi dự thảo của Bộ Tài chính được công bố đã có nhiều ý kiến trái chiều bình luận về dự thảo này. Một trong số những điểm còn khiến nhiều người thắc mắc chính là ngưỡng không chịu thuế đối với nhà được cơ quan soạn thảo tính toán như thế nào?

Vì sao lại là 700 triệu đồng?

Theo Bộ Tài chính, hiện có 2 cách xác định ngưỡng không chịu thuế để đánh thuế là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích.

Lý giải về phương án ngưỡng chịu thuế xác định theo giá trị, Bộ Tài chính cho biết, theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Do đó nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7.300.000 đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Bộ này cho hay, việc sở dĩ không chọn phương án áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích bởi phương án này có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà có giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Ví dụ: theo số liệu về nhà ở năm 2011 tại Đề án Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích là 100m2 thì sẽ có khoảng 1.883.913 căn bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ (trong đó có 1.131.073 căn ở nông thôn) vẫn phải chịu thuế.

Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Đồng thời, sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau (đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà biệt thự, nhà ở cấp I cao hơn rất nhiều đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà ở cấp III, cấp IV).

Do đó, Bộ Tài chính lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà.

90% nhà nông thôn dưới ngưỡng chịu thuế?

Đánh giá về tác động của Luật thuế tài sản trên, ông Phạm Đình Thi chia sẻ, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Vậy nên, Luật Thuế tài sản sẽ tác động tới mọi người dân.

Đối với nhà, không thể xác định giá trị thực tế bởi cùng một cấp nhà, cùng một công xây dựng, hoàn thiện xong giữa mỗi ngôi nhà vẫn có sự chênh lệch. Vậy nên, cơ quan thuế tính theo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành.

Giải thích về mức đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng, ông Phạm Đình Thi phân tích, đối với nhà, giá trị nằm chủ yếu ở phần đất. Ở TPHCM, có căn nhà trị giá vài triệu USD, trong khi ở nông thôn có căn nhà chỉ trị giá 100 - 200 triệu đồng.

"Chúng tôi đề xuất phương án tính thuế tài sản với nhà theo ngưỡng, tất cả mọi người bình quân như nhau. Tôi lấy ngưỡng theo giá trị là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng thì ai vượt phần giá trị nhà, trên ngưỡng phải nộp thuế. Dưới ngưỡng thì không phải nộp thuế. Với mốc 700 triệu đồng thì đại bộ phận có thể trên 90% toàn bộ nhà nông thôn không thuộc đối tượng hay nói là dưới ngưỡng đánh thuế", ông Thi nói.

Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng trở lên thì những nhà có giá trị dưới mức này không bị đánh thuế, đó là người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết với nhà đơn sơ, thiếu kiên cố, nhà cấp 4, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 2.

Bộ này cũng nhận định việc áp dụng thuế tài sản với đất, nhà ở tác động không đáng kể đến thị trường bất động sản bởi mức 0,3% - 0,4% là khá thấp. Tuy nhiên, với nhiều nhà ở vị trí đắc địa thì phải nộp thuế rất cao vì đắc địa thì bản thân đất đã sinh lời lớn. Chẳng hạn, nhà 100m2 ở ngay Trần Hưng Đạo giá cho thuê một tháng đã rất lớn.

Tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng

Chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân về Dự án Luật thuế tài sản, TS Đinh Tuấn Minh cho rằng, một trong những lý do chính cho việc cổ vũ áp dụng thuế tài sản là tính công bằng. Người giàu sở hữu nhiều tài sản nên đánh thuế tài sản thì người giàu sẽ phải trả nhiều thuế hơn và nhà nước sẽ dùng thuế này để điều tiết lại cho người nghèo.

Tuy nhiên, theo ông Minh, khoản tiền thuế người giàu nộp thuế cho nhà nước nhiều hơn so với người trung lưu nhưng khả năng trả thuế tài sản của người trung lưu thấp hơn rất nhiều so với người giàu. Rõ ràng là loại thuế này là loại thuế khiến cho tầng lớp trung lưu bị cào bằng xuống tình trạng vô sản chứ không phải là sự công bằng đích thực.

Vị chuyên gia lấy ví dụ với trường hợp một người làm việc cật lực và mua được một ngôi nhà hay một căn hộ trị giá 3-4 tỷ đồng. Hằng năm phải nộp khoản thuế là 7-9 triệu đồng.

"Khi còn sung sức bạn có thể làm việc có thu nhập tương đối tốt, nuôi gia đình và vẫn trả được khoản thuế đó. Nhưng vì một lý do nào đó thu nhập của bạn bị giảm sút hoặc đơn giản là khi bạn về hưu, bạn sẽ không có tiền trả thuế. Và thế là bạn nợ thuế nhà nước. Và để thu thuế, nhà nước sẽ tìm cách cưỡng chế bắt bạn bán nhà để trả thuế. Bạn sẽ trở thành người không có nhà và phải đi thuê nhà để ở", ông Minh cho biết.

Chuyên đề