TP.HCM: “Tẩu hỏa nhập ma” với giá đất nền

(BĐT) - Hiện tượng giá đất nền ở TP.HCM tăng nóng trong những tháng gần đây đang khiến cho khách hàng “tẩu hỏa nhập ma”, trong khi đó những thông tin nhận định về vấn đề này lại đang có xu hướng trái ngược nhau.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thị trường đất nền ở TP.HCM đã nóng từ năm 2015 đến nay.  Ảnh: Tường Lâm
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thị trường đất nền ở TP.HCM đã nóng từ năm 2015 đến nay. Ảnh: Tường Lâm

Giá cả ngày một tăng

Thị trường đất nền vùng ven TP.HCM giá cả đang tăng nóng từng ngày trên diện rộng. Tại những khu vực ở các cửa ngõ Đông, Tây, Nam, Bắc của thành phố, cơn sốt đất vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ đất nền trong các dự án, mà ngay cả đất nền riêng lẻ ở trong các khu dân cư, giá cũng vùn vụt tăng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, tại khu vực quận Bình Tân, giá đất từ đầu năm đến nay biến động mạnh, có nơi lên đến vài chục phần trăm, nhất là ở các phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A. Nhiều cò đất ở đây cho biết, khả năng từ đây đến cuối năm giá cả vẫn chưa hạ nhiệt.

Tại huyện Hóc Môn, từ cuối năm 2016 đến nay, giá đất dọc trục đường Phan Văn Hớn, nhất là đất nông nghiệp tăng mạnh. Một đại gia chuyên săn đất có diện tích lớn chưa chuyển mục đích sử dụng cho biết, đầu năm 2016 ông mua một lô đất nông nghiệp gần 3.000m2 với giá chưa đến 4 tỷ đồng. Nhưng đến nay, có người đã trả giá gần gấp đôi, song vẫn chưa muốn bán.

Tương tự, ở khu Đông, giá đất ở quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 hiện vẫn đang luôn là tâm điểm của cơn sốt đất nền. Dọc các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Bưng Ông Thoàn, đường Liên phường… giá đất tháng trước so với tháng sau đã một trời một vực. Đơn cử, một nền đất có diện tích khoảng 100m2 ở đường Nguyễn Duy Trinh giá bán hiện nay đã hơn 30 triệu đồng/m2, trong khi đó mới chỉ đầu tháng trước mới có hơn 26 triệu/m2.

“Tôi mới mua một lô đất tại quận 9 ở phía cầu Rạch Chiếc đi vào hồi đầu năm ngoái. Chỉ trong vòng một năm nay, giá giờ đã tăng gấp đôi, thật không ngờ được. Tuy giá hiện đang tăng, nhưng nếu ai mua vào thời điểm này khả năng sinh lợi sẽ rất thấp và rủi ro lại rất cao vì giá sẽ bảo hòa trở lại”, anh Dương cho biết.

Sốt thật hay ảo?

Đó là một câu hỏi luôn được khách hàng quan tâm hàng đầu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi người có tiền muốn tham gia vào cuộc đua với đất nền, nhưng lại phập phù lo sợ vì rất có khả năng mắc bẫy của cò.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), bài học về sốt đất giai đoạn 2007 - 2010 vẫn còn đó nhưng dường như mọi người đã vội quên. Nghĩa là, hiện không loại trừ giới đầu cơ đẩy giá đất lên cao, người nào vào sau không rút vốn kịp sẽ bị thiệt hại lớn. Song lợi nhuận cao đã thu hút những người chưa có kinh nghiệm về bất động sản lao theo nên tình hình càng rất đáng lo ngại.

Thực tế cho thấy, việc các môi giới dùng nhiều chiêu thức để đẩy giá đất lên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, công tâm mà nói, từ quý 4/2016 đến nay, thị trường đất nền dự án hay phân lô ở TP.HCM và các địa phương lân cận cũng đã rất sôi động với lượng giao dịch thành công tương đối cao. Trong cơn sốt vừa thật vừa ảo đó, nếu khách hàng không đủ tỉnh táo sẽ bị dính bẫy.

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Eximrs cho rằng, mua dự án đất nền trong giai đoạn này cần xem xét nhiều yếu tố, trước tiên là giá, sau đó đến vị trí, chất lượng hạ tầng kết nối và tính pháp lý. Do đất nền là của để dành tốt nhất nên 80% người muốn mua bất động sản đều thích đất nền. Bất động sản ở phân khúc đất nền trong năm 2017 – 2018 vẫn là kênh đầu tư tốt nhưng cần xem xét các điều kiện như đã nói ở trên.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thị trường đất nền ở TP.HCM đã nóng từ năm 2015 đến nay. Trong cuộc đua này, nhất là giai đoạn hiện nay khi cơn sốt đất nên lên cao, chỉ có người đến sau mới là người thiệt thòi nhất, bởi lẽ những người đến trước họ đã chốt lời, còn những người mua để ở thực sự việc tăng giảm họ không mấy quan tâm. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng này, thì rủi ro sẽ khôn lường vì cái mất thì người dân, ngân hàng và cả thị trường đều lãnh, trong khi cái được chỉ có giới đầu tư, thậm chí là đầu cơ  hưởng mà thôi.

Chuyên đề