TP.HCM: Khả năng phục hồi của thị trường tương đối khả quan

(BĐT) -  Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện các đợt tái khởi động thị trường bất động sản, tái khởi động các dự án, các đợt khuyến mãi lớn, để chớp lấy thời cơ khi đại dịch Covid-19 đi qua. 
Những khó khăn của thị trường là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn chụp giật
Những khó khăn của thị trường là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn chụp giật
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý 1/2020 thị trường bất động sản thành phố chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.
Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý 1/2020 bị trầm lắng, đặc biệt tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Trong tình thế khó khăn hiện nay, đã có những tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản, điển hình như Vingroup, Hưng Thịnh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tăng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong một thời gian… Cũng có các doanh nghiệp hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng đến khi bàn giao nhà.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Phòng kinh doanh Bất động sản Nhà ở, Savills TP.HCM chia sẻ, cách ly xã hội không chỉ đang tác động đến chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư; mà còn tác động mạnh đến đến tâm lý và quyết định mua của khách hàng trong dài hạn khi dịch bệnh được kiểm soát. Tới đây, các dự án căn hộ gần các tiện ích như dịch vụ thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như thuận tiện di chuyển sẽ ngày càng được ưa chuộng.
Ngoài ra, nhóm khách mua cao cấp sẽ có tâm lý ưa chuộng các dự án quy mô nhỏ với mật độ xây dựng thấp và biệt lập với đầy đủ tiện ích chất lượng cao. Phần lớn các chủ đầu tư đã hoãn thời gian mở bán hoặc chuyển sang mô hình bán hàng trực tuyến. Nguồn cung tương lai đến năm 2022 dự kiến là 147.800 căn, hạng C tiếp tục chiếm lĩnh với 60% thị phần.
Savills Việt Nam bình luận, việc Chính phủ cung cấp nhiều chính sách kích cầu như cắt giảm khẩn cấp lãi suất cho vay, và các chính sách ưu đãi vay mua nhà từ các ngân hàng sẽ giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Các chủ đầu tư có thể tăng cường sử dụng cân đối tài chính để hỗ trợ giãn nợ hoặc tiến độ thanh toán nhằm duy trì khả năng cạnh tranh. Về lâu dài, khả năng phục hồi của TP.HCM tương đối khả quan nhờ tăng trưởng dân số ổn định 2% mỗi năm cũng như quy mô hộ gia đình giảm dần.
Khi nền kinh tế bị khủng hoảng như các năm 1997, 2008, thì thị trường bất động sản phục hồi là một trong các động lực chính kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, HoREA cũng nhận định, đại dịch CoVid-19 cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản trong 2 năm 2018, 2019 cũng là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém hoặc làm ăn theo kiểu chụp giật.

Chuyên đề