Thị trường văn phòng và bán lẻ tại Đông Nam Á thận trọng mở cửa lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo JLL, dịch Covid-19 khiến nhiều công ty trong ngành công nghiệp tạm ngừng hoạt động để theo dõi tình hình, dẫn đến hoạt động cho thuê bất động sản và đầu tư chậm lại.
Thị trường văn phòng và bán lẻ tại Đông Nam Á tuy đã mở cửa trở lại nhưng vẫn còn rất thận trọng. Ảnh: Internet
Thị trường văn phòng và bán lẻ tại Đông Nam Á tuy đã mở cửa trở lại nhưng vẫn còn rất thận trọng. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, với việc các biện pháp phong tỏa bắt đầu được nới lỏng tại nhiều thị trường, các doanh nghiệp hiện đang tập trung vào chiến lược tái nhập và làm thế nào để có thể xác lập trạng thái "bình thường mới".
Đối với thị trường văn phòng, điều khoản thuê có xu hướng được nới lỏng, tình hình dịch bệnh nối tiếp quý đầu năm cũng mang đến thêm điều khoản có lợi cho khách thuê. Nhiều khách thuê chọn gia hạn hoặc trì hoãn hoạt động mở rộng để đối phó với bất ổn. 
Tại Singapore, hoạt động cho thuê đã chậm lại trong quý I/2020 do Covid-19 làm tăng bất ổn kinh tế, lệnh hạn chế đi lại cũng dẫn đến sự gián đoạn trong việc đàm phán cho thuê khi đội ngũ quản lý cấp cao của nhiều doanh nghiệp trì hoãn bay đến Singapore để xem văn phòng.
Tại Thái Lan, tổng hấp thụ ròng lên tới 25.000 m2 trong quý I/2020, với hầu hết nhu cầu đến từ người thuê ở Tòa nhà văn phòng Mitrtown mới hoàn thành. Trên toàn thị trường, tỷ lệ lấp đầy thấp, chủ yếu là do thiếu nguồn cung.
Tỷ lệ trống trong khu vực tăng cao, với các thị trường như Philippines và Indonesia dẫn đầu.
Ở Malaysia, nhu cầu về không gian văn phòng dự kiến sẽ phải đối mặt với những đợt gió lớn từ lệnh hạn chế di chuyển do sự bùng phát Covid-19, giá dầu thấp, suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị sau sự thay đổi lãnh đạo ở nước này.
Tại Việt Nam, các tòa nhà còn nhiều diện tích trống lớn có thể cần xem xét lại các chiến lược cho thuê để thu hút khách thuê. Trong 12 tháng tới, giá thuê trung bình có thể sẽ tăng với tốc độ chậm hơn.
Quản lý kinh phí và kế hoạch tiếp tục kinh doanh đã trở thành mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Thị trường văn phòng trong vài tháng tới sẽ tập trung vào việc chuẩn bị tái nhập an toàn, theo từng giai đoạn và tuân theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Riêng thị trường bán lẻ, doanh số và lưu lượng người mua giảm là hai yếu tốt đang làm chùn bước nhu cầu thuê của các nhà bán lẻ và làm giảm hoạt động cho thuê trên thị trường. Dưới áp lực của chi phí vận hành trong khi giờ hoạt động bị giảm, nhiều nhà bán lẻ đã tiếp cận chủ nhà để được hỗ trợ chí phí thuê.
JLL ghi nhận một số nhà bán lẻ phải đóng cửa và ngưng kinh doanh sau dịch, đa số là các cửa hàng mặt phố của các hộ kinh doanh độc lập. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi và ngành tiêu dùng nhanh dường như đã sống sót qua mùa dịch dù doanh thu vẫn giảm đáng kể.
Dịch bệnh cũng giúp tăng sự phát triển của thương mại điện tử. Hầu hết các nền tảng thương mại điện tử đều ghi nhận sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng trong thời gian dịch, đặc biệt là cho các sản phẩm thiết yếu.
"Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình ngành bán lẻ trong vòng 18 đến 24 tháng qua khá tốt. Thị trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tôi không nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ lấy mất phần bánh của bán lẻ truyền thống, mà sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt", bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường tại JLL Việt Nam cho biết. 
Trạng thái "bình thường mới" sẽ buộc chủ nhà và nhà bán lẻ phải chủ động điều chỉnh các chiến lược để đáp ứng các thay đổi tâm lý tiêu dùng và mô hình kinh doanh, bao gồm các công nghệ cho phép giao dịch không tiền mặt và giao hàng trực tuyến.
Cuộc khủng hoảng hiện nay chắc chắn sẽ tạo ra gián đoạn và thách thức cho các ngành trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuộc sống người dân Trung Quốc đại lục và Việt Nam đang dần quay lại bình thưởng đã giúp các quốc gia còn lại trong khu vực cảm thấy lạc quan hơn.
JLL tin rằng, dịch Covid-19 sẽ tạo tác động về mặt nền tảng cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Covid-19 có khả năng đóng vai trò là chất xúc tác trong việc tăng tốc các xu hướng vốn đã tồn tại trên thị trường.

Chuyên đề