Thị trường bất động sản chờ đợi một cú bật mới sau đại dịch Covid-19

(BĐT) - Đại dịch Covid-19 khiến cho tình hình giao dịch của thị trường bất động sản thời gian qua rơi vào trầm lắng. Tuy nhiên, mức giá của các sản phẩm bất động sản lại không hề giảm, thậm chí một số phân khúc tiếp tục tăng, trong đó có cả phân khúc bất động sản du lịch.
Phối cảnh tổng thể dự án Kỳ Co Gateway của Tập đoàn Danh Khôi phát triển.
Phối cảnh tổng thể dự án Kỳ Co Gateway của Tập đoàn Danh Khôi phát triển.
Chịu “nhiệt” tốt, giá không giảm
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi, từ đầu năm đến nay, tâm lý dịch bệnh đè nặng lên thị trường khiến cho thanh khoản ở tất cả các phân khúc đều bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, khác biệt lớn so với các cuộc khủng hoảng trước đây là dù thị trường hiện nay có khó khăn, nhưng chủ yếu khó khăn về thanh khoản chứ không diễn ra các đợt bán tháo như giai đoạn 2008 - 2009.
Covid-19 khiến thị trường bất động sản chao đảo, song nhìn theo một khía cạnh khác, đây chính là giai đoạn “thử lửa” thị trường và là cơ hội để đánh giá lại tiềm năng, thế mạnh của từng phân khúc. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết quý I/2020, giá bất động sản tại một số địa phương có biến động, với mức độ không lớn. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, căn hộ trung cấp tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân tăng khoảng 2,51%; nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3,82%.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với quý I/2019, trong đó giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 2,75%, giá căn hộ trung cấp tăng khoảng 3,72%, giá căn hộ bình dân tăng khoảng 3,78%; nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 8,36%, trong khi giá bất động sản dụ lịch không thay đổi.
Báo cáo quý I/2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, mặc dù thị trường trầm lắng, song giá bán bất động sản không có sự sụt giảm so với quý IV/2019.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý do dịch Covid-19 tác động, còn về bản chất của thị trường vẫn tốt. Hiện nay, “thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “thương hiệu Việt” trở thành tài sản phi vật thể quý giá, cùng với việc Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá, có nhiều tiềm năng thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tiến trình tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo thêm động lực và lợi thế cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Phát huy hiệu quả cho dòng vốn đầu tư
Theo các chuyên gia, trong bất cứ thị trường nào cũng đều tồn tại cơ hội và rủi ro, đối với thị trường bất động sản sắp tới cũng vậy. Ông Lê Hoàng Châu chia sẻ, nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn có thể khẳng định, khả năng phục hồi của thị trường sẽ rất nhanh sau khi kết thúc dịch bệnh. Điểm nghẽn lớn nhất của thị trường hiện nay là nguồn cung sản phẩm tốt đang rất hạn chế do vướng mắc về thủ tục. Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú huých cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Bảo dẫn chứng rằng, lịch sử thị trường bất động sản từ hàng chục năm qua đều trải qua các giai đoạn thăng trầm. Song cứ sau mỗi đợt trầm lắng, giá nhà, đất lại thiết lập một mặt bằng mới cao hơn. Thực tế từ chính các dự án mà Tập đoàn Danh Khôi phát triển, như Dự án Queen Pearl Phan Thiết, được bán từ năm 2017 với mức giá trung bình khoảng 8 triệu đồng/m2, đến nay đã tăng lên trên dưới 20 triệu đồng/m2. Dự án Khu đô thị Baria City do Tập đoàn Danh khôi phát triển được bán ra thị trường năm 2018 với giá trung bình từ 2,5 đến 3 tỷ đồng/căn nhà, đến nay nhiều nhà đầu tư đã bán chênh từ 1 đến 2 tỷ đồng/căn. Các dự án đất nền ven biển Nhơn Hội New City ở Nhơn Hội, Bình Định bán ra từ cuối năm 2019 đến nay đã có mức giá tăng từ 15 đến 20%...

Công viên Merlion thuộc dự án Kỳ Co Gateway

Giới phân tích nhận định, năm 2020 có thể thị trường bất động sản sẽ giảm thanh khoản hơn so với giai đoạn 2017 - 2019, nhưng cơ hội được mở ra khá nhiều cho nhà đầu tư có tầm nhìn và biết nắm bắt cơ hội. Vấn đề đặt ra cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay là làm sao để nắm bắt đúng cơ hội? Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc có hàng chục năm kinh nghiệm chia sẻ, thị trường bất động sản trong suốt nhiều năm qua được ví như cái “bẫy tâm lý”, khiến nhiều người bị vụt lỡ cơ hội. Bởi với suy nghĩ, giá đã tăng quá cao, chờ đến khi giảm hãy mua vào, nhưng thực tế, giá không những không giảm, mà ngày càng lên cao.
Vẫn theo vị Tổng giám đốc nói trên, cách đây chừng 3 - 5 năm, dọc theo trục đường Nguyễn Tất Thành thuộc Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), một số dự án đất nền được công bố ra thị trường với mức giá khá thấp. Song, thời gian gần đây, giá đất nền ven biển Cam Ranh đã không ngừng "nhảy múa", trong đó có những dự án tính từ lúc mở bán đầu tiền đến nay đã tăng gấp từ 5 đến 10 lần. Đơn cử như Dự án Khu đô thị Golden Bay nằm dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, thời điểm đầu tiên khi tung sản phẩm lần 1 của dự án này bán ra thị trường có giá trung bình khoảng chỉ 3,6 triệu đồng/m2, đến thời điểm hiện nay, giá đã tăng lên mức trung bình 20 - 25 triệu đồng/m2, riêng đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, giá đất giao dịch nhảy lên mức 40 triệu đồng/m2.
Nhìn lại khoảng 10 năm trước đây, tại những cung đường ven biển mà cụ thể là các cung đường tại các thành phố du lịch của miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn…, giá đất còn khá thấp, như đường Võ Nguyên Giáp của Đà Nẵng, hay đường Xuân Diệu của Quy Nhơn giá đất chỉ nằm quanh mức vài chục triệu đồng/m2, thậm chí thấp hơn. Nhưng những cung đường này ngày càng khan hiếm và trở thành tài sản trị giá triệu đô, thậm chí tỷ đô khi được phát hiện, tôn tạo và khai thác đúng cách... Theo thống kê, có những khu ven biển nằm trong các vịnh biển, giá đắt lên đến gấp hàng chục lần so với trong đất liền. Vì vậy, việc nhìn nhận và nắm bắt cơ hội để phát huy hiệu quả dòng vốn đầu tư của khách hàng là rất quan trọng.

Chuyên đề