Tận hiến niềm đam mê cho những công trình xây dựng

(BĐT) - Thiết kế và thi công (Design and Build – D&B) là một xu hướng được ưa chuộng hiện nay trong ngành công nghiệp xây dựng. Trong số những nhà thầu của Việt Nam gặt hái nhiều thành công ở lĩnh vực D&B, phải kể đến Hòa Bình. Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình.

Không phải đến bây giờ mà từ những năm 1990 Hòa Bình đã làm D&B. Vậy, tại sao đến bây giờ Hòa Bình mới đẩy mạnh xu hướng này, thưa ông?

Đúng vậy, từ những năm 1990 Hòa Bình đã làm D&B. Những công trình lớn như khách sạn Riverside, khách sạn Tân Sơn Nhất, khách sạn Bông Hồng… dù là cải tạo và thiết kế lại nhưng đều đi theo khuynh hướng này. Ấn tượng nhất là dự án khách sạn Riverside. Đây là một tòa nhà văn phòng được xây dựng theo kiểu Pháp có từ thời Pháp thuộc. Chúng tôi cải tạo và nâng cấp thành công tòa nhà này từ 2 tầng lên 6 tầng và thêm 1 tầng hầm. Tuy nhiên, từ năm 2015, xét thấy xu hướng D&B đang thịnh thành và Hòa Bình đã hội đủ mọi yếu tố nên chúng tôi mới quyết tâm đẩy mạnh mô hình này.

So với mô hình xây dựng truyền thống, D&B có những thế mạnh và khác biệt nào?

Đối với một công trình xây dựng truyền thống, việc đầu tiên là lên ý tưởng, tiếp đó là thiết kế, đấu thầu, rồi đến thi công. Riêng với D&B, sau khi lên ý tưởng, thiết kế, là đến thi công luôn chứ thường không đấu thầu mà là chọn thầu.

Làm D&B điểm quan trọng nhất và mấu chốt nhất chính là phần thiết kế, tức năng lực luôn đòi hỏi phải đảm bảo tuyệt đối. Mỗi khi mình vừa thiết kế vừa thi công thì việc rút ngắn thời gian là điều tất yếu. Mà trong lĩnh vực xây dựng, việc rút ngắn thời gian chính là giảm bớt chi phí. Điều này là rất quan trọng đối với bất kỳ một chủ đầu tư nào.

Cái hay của D&B là bên thiết kế và nhà thầu họ sẽ đề xuất với chủ đầu tư những loại vật liệu mới, hài hoà với tổng thể công trình, nên tính hiệu quả rất cao, rất thiết thực. Ngoài ra, phương án lựa chọn vật liệu xây dựng phù hợp với từng công trình còn giúp phía nhà thầu xây dựng phát triển được năng lực thiết kế của mình.

Như ông đã nói, làm D&B thì khâu thiết kế là rất quan trọng. Vậy, hiện ở Hòa Bình, đội ngũ thiết kế tinh nhuệ đến mức nào?

Đội ngũ thiết kế của Hòa Bình có cả kiến trúc sư người Việt lẫn người nước ngoài. Chúng tôi chọn nhân viên và cộng sự trong lĩnh vực thiết kế rất cẩn thận và phù hợp với yêu cầu của từng dự án. Xuất thân của họ đều là những người xuất sắc ở các trường kiến trúc danh tiếng. Tôi nghĩ, đội ngũ thiết kế của Hòa Bình luôn đủ mạnh và tinh nhuệ để đáp ứng những nhu cầu cao của chủ đầu tư, khách hàng, nhất là nhu cầu thẩm mỹ.

Hiện Hòa Bình là nhà thầu thực hiện các dự án D&B của các chủ đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Bí quyết nào đã giúp Hòa Bình chinh phục được những chủ đầu tư nước ngoài luôn đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật và thẩm mỹ?

Hiện nay Hòa Bình vẫn là nhà thầu thực hiện nhiều dự án của nhà đầu tư nước ngoài nhất, kế đó là những dự án của chủ đầu tư trong nước, một số ít còn lại là dự án của nhà nước. Lý do là đã từ rất lâu Hòa Bình đã xây dựng được cho mình uy tín và kinh nghiệm làm việc; có hệ thống quản lý xây dựng theo chuẩn mực quốc tế BIM. BIM đã quản lý và đồng hành cùng Hòa Bình đã 7 năm nay. Đây là giải pháp hiện đại nhất hiện nay trong xây dựng. Các công nghệ mới nhất về xây dựng đều được Hòa Bình áp dụng. Bí quyết của Hòa Bình có lẽ nằm ở sự tận hiến niềm đam mê của mình cho những công trình xây dựng và may mắn thay các chủ đầu tư họ cảm nhận được một cách sâu sắc những giá trị đó.

Cơ cấu doanh thu của D&B đang từng bước tăng lên so với lĩnh vực truyền thống. Vậy, mục tiêu của Hòa Bình đặt ra đối với doanh thu trong lĩnh vực này ở chặng đường sắp tới sẽ như thế nào?

Cơ cấu doanh thu D&B hiện chiếm tỷ lệ chưa cao nhưng với xu hướng ngày càng phát triển như hiện nay thì tới đây tỷ trọng sẽ nâng dần lên đáng kể. Mục tiêu của Hòa Bình trong trung hạn là D&B phải chiếm từ 40-50% doanh thu so với lĩnh vực truyền thống, về lâu dài con số này sẽ tiếp tục được nâng dần lên.

Cũng cần nói thêm, mới đầu năm 2017, Hòa Bình đã có một khởi đầu thuận lợi khi trúng liền hai dự án theo mô hình D&B với tổng đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Đó là dự án đầu tư xây dựng sân Golf Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm – Đầm Vạc tại tỉnh Vĩnh Phúc có tổng giá trị 2.066 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị làm chủ đầu tư; và dự án chung cư cao cấp tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM có tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền làm chủ đầu tư.

Năm nay, dự kiến doanh thu của Hòa Bình sẽ mang lại khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cân nhắc để đưa ra một con số an toàn. Chúng tôi nỗ lực để thực hiện mục tiêu là đưa mức tăng trưởng ấy lên 50 – 100%. Tôi tin Hòa Bình vẫn có khả năng làm được điều đó do hệ thống được xây dựng chuyên nghiệp, bài bản, mức độ tập trung cao, việc khai thác các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới nhanh chóng, kịp thời.

Ông có trăn trở gì đối với lĩnh vực D&B mà Hòa Bình đang theo đuổi?

Làm D&B lợi ích thì có nhưng thực hiện không đơn giản, nó đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của nhà thầu và kể cả chủ đầu tư. Cái rất quan trọng nữa là niềm tin hai bên dành cho nhau. Nếu không hiểu biết và tin cậy lẫn nhau thì rất khó thành công. Chủ đầu tư phải hiểu rõ mình muốn cái gì và phải có người có chuyên môn mô tả những điều mình muốn bằng những tiêu chuẩn rõ ràng. Những tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi các quy chuẩn quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.

Nhưng thực tế cho thấy, không phải cái gì cũng mô tả được một cách đầy đủ, ví dụ như tính thẩm mỹ của dự án chẳng hạn, do đó phải đòi hỏi trình độ, năng lực, tâm huyết, đạo đức của nhà thầu. Nghĩa là, để đem lại chỉ về kỹ thuật thì dễ nhưng cả mỹ thuật nữa thì rất khó. Song chính cái này là cái để phân biệt khả năng và đẳng cấp của mỗi nhà thầu khi có thể hay không thể đem lại sản phẩm đảm bảo cả mỹ thuật và kỹ thuật cao cho nhà đầu tư.

Trăn trở của tôi là lúc nào cũng phải đưa ra một sản phẩm kiến trúc thực sự có giá trị cao về tính thẩm mỹ cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật và tính kinh tế. Tuy nhiên, về phía chủ đầu tư, nếu đòi hỏi của họ không có giới hạn thì sẽ gây ách tắc khi triển khai. Do đó, khi triển khai, phía nhà thầu và chủ đầu tư cần phải thông hiểu và chia sẻ lẫn nhau. Với kinh nghiệm của một nhà thầu như Hòa Bình, chúng tôi có thể kết hợp một cách hoàn chỉnh các yêu tố trên, nhưng không vì thế chúng tôi tự hài lòng với những gì mình đạt được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Chuyên đề