Quận 3, 'thiên đường' biệt thự cổ Sài Gòn

TP HCM có khoảng 1.300 biệt thự cổ, quận 3 "chiếm" hơn 800 căn. Các biệt thự cũng được chẻ nhỏ làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Hàng quán chen chúc bên ngoài biệt thự đường Võ Văn Tần.
Hàng quán chen chúc bên ngoài biệt thự đường Võ Văn Tần.

Phố biệt thự ở Sài Gòn

Người Sài Gòn xưa có câu “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận nhất”. Không phải ngẫu nhiên mà quận 3 được xem là địa chỉ lý tưởng để mua nhà, làm chốn nghỉ ngơi.

Nơi đây có hàng loạt biệt thự cổ, cư xá đẹp có tiếng, không hàng quán, chợ búa ồn ào, lại nhiều cây xanh. Cuộc sống của người dân khá bình yên, tách biệt cho với cái ồn ào, sôi động của Sài Gòn. Những con đường biệt thự nổi tiếng của quận 3 khi xưa có thể kể đến như Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu.

Ngày nay, quận 3 vẫn còn những biệt thự giữ lại được phong cách, dáng vẻ cổ kính của mình và được sử dụng. Con hẻm 36 - 40 đường Trần Quốc Thảo chỉ dài chừng 50 m nhưng có 4 biệt thự cổ. Các biệt thự đều có cây xanh cao chạm mái nhà, hẻm thông thoáng và yên tĩnh.

Một góc biệt thự cổ trên đường Trần Quốc Thảo.

Bên trong hẻm ở đường Ngô Thời Nhiệm, hai căn biệt thự yên bình nằm sau một căn ở mặt tiền. Trước hiên nhà, những hàng hoa giấy đặc trưng cho văn hóa biệt thự Sài Gòn xưa vẫn được giữ lại.

Theo khảo sát, tại nhiều tuyến đường nổi tiếng ở TP HCM, các biệt thự còn sót lại hầu như đều đã được cải tạo, phân chia. Tại phố Ngô Thời Nhiệm, nhiều biệt thự bị chẻ nhỏ làm quán cà phê, trà sữa. Sân sau biệt thự được dùng làm khu để xe cho nhân viên văn phòng.

Trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, biệt thự được cải tạo làm cửa hàng buôn bán nhỏ, bán cà phê, hàng ăn uống...

Nhắc đến các biệt thự tại quận 3, TP HCM không thể không nói đến căn biệt thự nằm trên đường Võ Văn Tần từng được mua với giá 35 triệu USD. Căn này rộng gần 3.000 m3 với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu.

Hiện tại, xung quanh biệt thự có nhiều hàng quán. Một phần của căn nhà được cải tạo thành quán cà phê.

Biệt thự cổ trên đường Ngô Thời Nhiệm. 

Mới đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cũng đưa ra thống kê về biệt thự cổ. Theo đó, toàn thành phố có khoảng 1.300 biệt thự cổ. Riêng số căn ở quận 3 đã là hơn 800.

Tuy nhiên, hiện tại, theo nhận định chung của nhiều kiến trúc sư, số biệt thự tại quận 3 đã giảm đi phần nào.

Kiến trúc sư Lê Quang Ninh, nguyên Chủ nhiệm chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP HCM, trả lời trên báoPháp luật TP HCMrằng108 biệt thự có giá trị của thành phố, trong đó rất nhiều ở quận 3 mà chương trình đã đưa vào danh sách cần bảo tồn, giữ gìn nay phỏng đoán bị mất đi trong thời gian qua là khoảng 25% nhưng nếu khảo sát sẽ cho thấy đã mất đến hơn 50%.

Biệt thự cổ được chia nhỏ để mở hàng quán. 

Làm gì để bảo tồn biệt thự cổ?

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty Tư vấn thiết kế Ngô Viết, thừa nhận quận 3 từng được xem như “làng biệt thự” của Sài Gòn. Tuy nhiên, theo thời gian, các biệt thự đã không còn nguyên trạng, bị phá bỏ nhiều và nằm rải rác.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Theo ông, việc khoanh vùng bảo tồn biệt thự cổ ở quận 3 khó khả thi. Nếu bảo tồn, ông cho rằng vẫn nên triển khai theo tuyến đường, trước hết là Tú Xương, Phùng Khắc Khoan và tiến hành với biệt thự thuộc sở hữu công trước.

Ở góc độ rộng hơn với bảo tồn, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phân loại biệt thự thuộc sở hữu công và sở hữu tư nhân.

Ông đề nghị rà soát lại với biệt thự riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân. Nếu biệt thự thuộc loại quý hiếm, có giá trị về lịch sử văn hóa thì thành phố có kế hoạch bảo tồn. Còn các căn xuống cấp, không có giá trị văn hoá đặc biệt có thể được cho chuyển đổi mục đích sử dụng.

Các biệt thự riêng lẻ cần có những đánh giá, phân loại giai đoạn phát triển và chỉ bảo tồn một số căn thật đặc biệt, có giá trị văn hóa lịch sử.

Chuyên đề