Phong Phú nhảy vào địa ốc: Loạt dự án nghìn tỷ cả thập kỷ vẫn nằm trên giấy

Không chỉ “an phận” là công ty có doanh thu nghìn tỷ trong lĩnh vực dệt may, Tổng công ty Phong Phú còn được biết đến nhiều hơn khi lấn sân sang bất động sản với nhiều dự án trên cả nước. Trong đó nhiều dự án đang trong tình trạng nằm trên giấy, bị xem xét "xoá sổ"...

Tổng công ty Cổ phần Phong Phú (PPH) là một trong những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Không chỉ “an phận” là công ty có doanh thu nghìn tỷ trong lĩnh vực dệt may, Tổng công ty Phong Phú còn được biết đến nhiều hơn khi lấn sân sang bất động sản với nhiều dự án trên cả nước.

Đáng lưu ý, trong một loạt dự án PPH rót vốn đầu tư thì nhiều nơi vẫn đang trong tình trạng hoang hoá, cỏ mọc um tùm như dự án khu đô thị Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội), dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô...

Đối với dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú – Lăng Cô thuộc Tổng công ty Phong Phú, sau hơn thập kỷ khởi công xây dựng thì mới đây đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào diện xem xét "khai tử".

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô có tổng mức đầu tư lên tới 5.230 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 292ha.

Cụ thể, trong văn bản trả lời báo chí ngày 29/3, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 2 dự án do Tổng công ty Phong Phú (Công ty Phong Phú) cùng một số cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư dự án.

Trong đó, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô do Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô làm chủ đầu tư được Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 04/01/2008. Dự này có tổng mức đầu tư lên tới 5.230 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 292ha.

“Sau khi được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư chưa thực hiện hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Mặc dù được UBND tỉnh và Ban Quản lý tạo điều kiện, cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án (năm 2017) nhưng nhà đầu tư vẫn không hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án”, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Như vậy tính đến thời điểm này, dự án chậm khởi công xây dựng và chậm hoàn thành giai đoạn 1 (hạng mục sân golf và công trình phụ trợ) đưa vào hoạt động so với tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư.

“Căn cứ tình hình triển khai dự án, UBND tỉnh đã giao Ban uản lý và các sở, ngành liên quan rà soát hồ sơ và căn cứ pháp lý để tham mưu UBND tỉnh về chủ trương chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát dự án; hiện tại, Ban Quản lý đang tổng hợp ý kiến để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý trong tháng 4/2019”, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.

Ngoài dự án nêu trên, trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện có một dự án khác do Tổng công ty Phong Phú cùng một số cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư, đó là Dự án Khu du lịch quốc tế Thuận Phong do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Thuận Phú làm chủ đầu tư.

Dự án này được Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh) cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 07/01/2013.

Đáng lưu ý theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế: “Sau khi được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư chậm thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án; dự án triển khai chậm tiến độ, vi phạm quy định của pháp luật đầu tư nên Ban Quản lý đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án (Quyết định số 187/QĐ-KKTCN ngày 01/10/2018)”.

Ngoài dự án nghìn tỷ ở Lăng Cô, Tổng Công ty Phong Phú cũng đã góp vốn ở một dự án lớn khác tại khu vực Hà Đông, Hà Nội. Dự án này cũng dính nhiều lùm xùm khi cả thập kỷ nay vẫn nằm gọn trên giấy.

Hiện ngoài việc “nằm chờ” điều chỉnh quy hoạch 1/500, dự án còn “mắc” ở chỗ chưa GPMB xong. Trong số 225 ha đất được giao, còn khoảng hơn 2,8 ha chưa được GPMB. Đáng nói, diện tích chưa GPMB chính là lối vào của dự án do đó hiện dự án không có đường vào để thi công.

Chuyên đề