Những siêu dự án đang dần “tỉnh giấc“

Sau cơn khủng hoảng của thị trường, nhiều “siêu dự án” bất động sản tại TP.HCM lâm vào cảnh “hấp hối” do chủ đầu tư thiếu vốn. Năm 2015 - 2016, khi thị trường sôi động trở lại, nhiều dự án đã được hồi sinh và trong hơn 5 tháng qua, lại có thêm nhiều dự án nữa trở lại cuộc đua.
Dự án Kenton Node hồi sinh sau 7 năm “hấp hối”.
Dự án Kenton Node hồi sinh sau 7 năm “hấp hối”.

Những siêu dự án tỉnh giấc

Sự kiện Dự án Kenton Node do Công ty Xây dưng - Sản xuất thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư hồi sinh sau 7 năm “hấp hối” gây chú ý thị trường địa ốc TP.HCM trong tuần qua. Dự án này nằm ở vị trí đắc địa tại cửa ngõ phía Nam Sài Gòn, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP.HCM.

Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu USD, gồm 3 phân khu Sky Villa, Residence và Plaza. Dự án có 9 tòa nhà, với 1.640 căn hộ cao cấp. Dự án Kenton Node được triển khai từ năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Tuy nhiên, nhiều hạng mục chỉ được xây xong phần thô, hoặc dang dở phần thô rồi “đắp chiếu”.

Sau nhiều năm bất động, mới đây, Kenton Node đã được điều chỉnh quy hoạch và được bổ sung nguồn tín dụng lên đến 1.060 tỷ đồng. Theo quy hoạch điều chỉnh, dự án Kenton Node có lượng căn hộ tăng lên 1.683 căn. Ngoài ra, Dự án còn có gần 300 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, khu lưu trú, trung tâm mua sắm, trường học, phòng khám quốc tế…

Trước đó, đầu tháng 3/2017, dự án khu dân cư phức hợp Lacasa, quận 7 của Tập đoàn Vạn Phát Hưng đã được An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) hồi sinh bằng việc mua đứt dự án này với trị giá 3.500 tỷ đồng. Để mua được dự án “trùm mền” này, An Gia đã phải trải qua hai giai đoạn, tháng 3/2015 mua lại 2 block và tháng 3 năm nay mua tiếp 5 block còn lại.

Được biết, dự án khu dân cư phức hợp Lacasa có quy mô 6 ha, với 2.000 căn hộ, gồm cả office-tel thuộc phân khúc trung cao cấp. Theo kế hoạch, An Gia Investment dành hơn 3,5 ha đất để xây dựng các tiện ích phục vụ cư dân, trong đó có hơn 7.000 m2 diện tích mặt nước, bao gồm hồ bơi, các hồ cảnh quan, tiểu cảnh...

Ngay tại khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, nơi được cho là tâm điểm của những dự án chết, cũng đã bắt đầu hồi sinh trở lại. Đơn cử, dự án 45 căn biệt thự song lập kép kín mang tên Trung Tiến do Công ty Trung Tiến làm chủ đầu tư đã được tái khởi động, hoàn thiện để giao nhà cho khách hàng. Ngoài ra, khu biệt thự hàng trăm căn của Hà Đô gần đó, được ghi nhận đang hồi sinh. Những ngôi nhà hoang, xây phần thô rồi để đó hàng năm trời đã bắt đầu có người về sinh sống.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, sau Kenton Node và Lacasa, sắp tới, một siêu dự án nữa cũng đang được tái khởi động trong cuối quý II/2017 là Dự án Saigon One Tower. Ông Châu cho biết, đã có nhà đầu tư quyết định rót vốn để tái khởi động dự án này.

Đây là dự án nằm ở vị trí “đất vàng” trên trục đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1) và là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM. Saigon One Tower do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, là liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty cổ phần M&C, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.

Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.672 m2, bao gồm khối đế 6 tầng làm trung tâm thương mại dịch vụ (diện tích 23.000 m2), một khối văn phòng cao 34 tầng (diện tích 49.000 m2) và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện ích khác. Với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng (238 triệu USD), sau khi hoàn thành Saigon One Tower, dự kiến sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM, xếp sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng.

Được khởi công năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2011, thế nhưng, khi công trình đã hoàn thiện khoảng 80%, thì dự án bị ngưng thi công và nằm phơi sương nắng cho tới nay.

Vẫn còn nhiều dự án “đắp chiếu”

Trong báo cáo hoạt động thị trường quý I/2017 của HoREA, mặc dù giá trị tồn kho của thị trường bất động sản TP.HCM có xu hướng giảm, nhưng lại có sự gia tăng ở số lượng các dự án ngưng thi công. Trong đó, có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án.

HoREA nhận định, đây là phần chìm của tảng băng tồn kho cần phải có giải pháp hợp lý và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.

Những dự án ngưng thi công có thể gặp ở bất cứ tuyến đường nào trên địa bàn TP.HCM, như dự án nhà ở xã hội 584 Lilama tại đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, hay dự án cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp DB Tower toạ lạc tại số 141 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2010, đến giữa năm 2012 đã đổ xong phần sàn thô, nhưng dừng thi công từ đó và đang trong tình trạng không có ngày hoàn thành.

Bên cạnh công trình DB Tower, còn có dự án tòa nhà văn phòng V-Ikon cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Dự án nằm trên 2 mặt tiền đường là Điện Biên Phủ và Phan Chu Trinh nối dài. Dự án được thiết kế độc đáo với hình tượng chữ V cao 125,8 m, tượng trưng cho tên của chủ đầu tư là Việt Thuận Thành. Hiện nay, dự án này đang bị “đắp chiếu” vì chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện.

Hay như dự án căn hộ PetroVietnam Landmark Tower đang vắng tanh do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam không còn khả năng tài chính để tiếp tục thi công dự án…

Nhìn về các dự án hồi sinh từ năm 2016 tới nay, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tích cực để TP.HCM xóa đi tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, chính những dự án này sẽ gặp khó khăn lớn để phát triển, bởi tính cạnh tranh cao và chủ đầu tư sẽ không có lợi nhuận khi phát triển các dự án vốn lâm vào tình trạng “hấp hối”.

“Trước khi đình trệ, các chủ đầu tư đã vay ngân hàng số tiền rất lớn để đầu tư. Trong những năm thị trường đóng băng, dự án không phát triển, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải bỏ tiền túi trả lãi khủng cho ngân hàng, giờ tái khởi động, căn hộ bán giá không thể cao, tiền chưa chắc đủ trả gốc và lãi ngân hàng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Nam Tuấn, giảng viên Đại học Ngoại Thương TP.HCM nói.

Ngoài ra, việc các dự án hồi sinh trong thời điểm này cũng được cho là một khó khăn. Đơn cử như như dự án Kenton Node, dù được bơm 1.060 tỷ đồng, nhưng việc tái khởi động và giới thiệu dự án ra ngoài thị trường trong giai đoạn hiện nay, chủ đầu tư Kenton Node sẽ gặp không ít thách thức khi phân khúc căn hộ hạng sang tại thị trường TP.HCM đang có dấu hiệu dư cung.

Cụ thể, Savills Việt Nam cho biết, tỷ lệ hấp thụ của thị trường căn hộ TP.HCM trong quý I/2017 giảm khoảng 13% theo quý, trong đó phân khúc căn hộ hạng sang giảm mạnh nhất, giảm 50% theo quý và căn hộ hạng trung giảm 35% theo quý.

Trong khi thanh khoản của căn hộ hạng sang đang giảm mạnh, thì nguồn cung tiếp tục được bổ sung rất lớn. Dự kiến từ quý II/2017 đến năm 2019, thị trường căn hộ TP.HCM sẽ đón nhận thêm khoảng 62.200 căn hộ cao cấp. Với lượng căn hộ cao cấp không hề nhỏ này, liệu các dự án hồi sinh có đủ sức để bán được hết hàng trong thời gian này hay không là một câu hỏi lớn và phụ thuộc nhiều vào chiến lược, cách thực thực hiện của từng chủ đầu tư.         

Chuyên đề