Không đánh thuế căn nhà thứ 2, làm gì để tăng thuế cho Nhà nước?

Nếu ý tưởng đánh thuế nhà ở thứ hai được thực hiện thì ngay lập tức sẽ tác động đến thị trường BĐS. Nếu ý tưởng này không được thực hiện thì vẫn cần những giải pháp thay thế để chống nguy cơ thị trường phát triển nóng, đầu cơ, lệch pha cung cầu... đồng thời giúp tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế căn nhà thứ 2 thời điểm này là chưa phù hợp.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế căn nhà thứ 2 thời điểm này là chưa phù hợp.

Đó là 2 tình huống được đặt ra tại Tọa đàm "Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2" tổ chức tại Hà Nội ngày 7/9.

Ở tình huống đầu tiên, đa số các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế căn nhà thứ 2 thời điểm này là chưa phù hợp. Phía doanh nghiệp cho rằng, việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 sẽ "giết chết" thị trường cho thuê BĐS, người thuê sẽ phải gánh thêm thuế căn nhà thứ 2.

Vậy thì, giải pháp nào để tăng thu thuế cho Nhà nước thay vì đánh thuế căn nhà thứ 2? Trả lời câu hỏi này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, vì chúng ta đang phải tìm thêm nguồn thu cho ngân sách vì vậy việc cần thiết là cải cách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

“Trong luồng cải cách thuế thì việc sửa đổi sắc thuế này là hết sức quan trọng. Tôi vẫn giữ quan điểm không đánh thuế đầu tư trên đất. Bên cạnh đó, để thị trường BĐS phát triển thì quản trị công phải vững, công khai minh bạch các thông tin tới xã hội. Thị trường sơ cấp đang thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý, do đó phải đảm bảo hệ thống quản trị công tốt”, ông Võ nói.

Ngoài ra, theo ông Võ, cần đưa ra quy trình điều chỉnh quy hoạch chặt chẽ, minh bạch... đây là một số việc cần làm sớm để tạo ra quá trình vốn hóa đất đai, nhằm khai thác quỹ đất tốt hơn. Ông Võ nhận định, Đà Nẵng đã làm được việc này và làm rất tốt.

Phân tích sâu hơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, trong mọi sách giáo khoa về thuế, không có sách nào viết về đánh thuế nhà ở thứ hai, chỉ có đánh thuế nhà hay không đánh thuế nhà. Nếu đánh thuế nhà thứ nhất hay thứ hai thì phải có đơn vị nhà giống nhau, bởi sẽ là bất hợp lý nếu một cái Villa là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 mua tạm cái nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế. Do đó, nếu đánh thuế thì phải có đơn vị diện tích đánh thuế cụ thể.

"Chúng ta đang vội vã học hỏi Singapore trong đánh thuế nhà ở thứ hai, tuy nhiên ở nước này, nhà ở cùng 1 nguồn cung, do đó Chính phủ mới có thể áp thuế. Một số nước đánh thuế đất, một số nước khác gói cả đất và nhà thành 1 gói BĐS để đánh thuế theo giá trị.

Tôi ủng hộ không đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất với ý nghĩa khẳng định sự hiện hữu của chủ sử dụng ở đây, đảm bảo các công tác hạ tầng. Chúng ta cần cải cách chính sách thuế để cải tạo thị trường BĐS. Do đó, Việt Nam không nên đánh thuế nhà. Nếu muốn kêu gọi đầu tư hiệu quả trên đất thì không nên đánh thuế nhà”, ông Võ nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ, theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trước tiên cần phải sửa đổi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu ở mức hợp lý thì thị trường sẽ phát triển lành mạnh và Nhà nước cũng có nguồn thu tốt hơn. Đây cũng là chính sách thuế có tác động tích cực cho thị trường BĐS.

“Tôi cho rằng cần thiết đánh thuế tài sản trên đất nhưng tại thời điểm này là chưa phù hợp. Đối với thị trường BĐS thì cần có chính sách sớm, có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận thực hiện chính sách đó cho phù hợp.

Tôi cũng cho rằng nên đánh thuế tài sản chứ không phải là đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2. Khi đưa ra chính sách hợp lý, công bằng thì sẽ thúc đẩy phát triển thị trường BĐS nhưng cần có lộ trình phù hợp thì sẽ không có những tác động tiêu cực tới thị trường”, ông Hải nêu quan điểm.

Bàn về câu chuyện đi tìm giải pháp tối ưu nhất, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đưa ra 5 giải pháp:

“Thứ nhất, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân tham gia thị trường và đảm bảo hiệu quả hiệu lực chính sách.

Thứ hai, giúp nhà nước kiểm soát thị trường ở góc độ cung - cầu: căn cứ vào quy hoạch theo nhu cầu và đối tượng; rà soát các dự án BĐS hiện nay để điều chỉnh phù hợp nhu cầu thị trường.

Thứ ba, tập trung triển khai nhà ở xã hội ở đô thị, khu công nghiệp cho người có thu nhập thấp.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin nhà ở BĐS xuyên suốt từ trung ương đến địa phương công khai, minh bạch.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm để tạo ra thị trường BĐS ổn định, lành mạnh"

Liên quan đến vấn đề này, ông Matthew Powell cho biết, để có giải pháp thì cần xác định rõ mục đích phát triển thị trường là như thế nào. “Theo tôi có 3 mục đích: Giảm thiểu hệ lụy xấu với thị trường; Cho phép nhiều người có nhu cầu thực sở hữu tài sản BĐS; Phát triển thị trường theo hướng tích cực nhất”, ông Matthew Powell nói.

Về việc làm thế nào để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu với thị trường BĐS, theo ông Matthew Powell, cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ sở pháp lý, minh bạch thông tin đưa ra thị trường. Thêm vào đó cần có thông tin mở về các dự án bán và giá bán tới người mua, giúp các thông tin đưa ra được rõ ràng và minh bạch với người mua nhà.

Ngoài ra, cần có những định nghĩa và phân loại rõ ràng các loại hình BĐS trên thị trường: nhà ở xã hội, nhà ở mức trung bình cho người có nhu cầu thực và người mua là người nước ngoài, từ đó xây dựng các chính sách về thuế dựa trên những nhóm đối tượng này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNREA cho rằng, để chống đầu cơ cần sửa đổi thuế thu nhập cá nhân trong BĐS. Thu 2% lợi nhuận thì thu được chứ 25% như hiện tại thì không bao giờ thu được. Mặt khác phải quy định nhà vừa mua xong bán ngay thì tiền thuế phải khác với nhà mua 5 năm mới bán.

“Đặc biệt, những nhà đất bỏ hoang, đất không sử dụng cần phải đánh thuế cao. Còn những nhà đất cho thuê thì bản thân người cho thuê nhà đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi cho thuê rồi nên việc đánh thuế nhà ở cần phải được giảm hơn”, ông Hà đề xuất.

Chuyên đề