Đông Nam thành phố: Tương lai phát triển mới của Đà thành

(BĐT) - Việc phát triển các khu đô thị hiện đại, đầu tư bài bản, đồng bộ ở ngoại vi thành phố - nơi sẽ là cực phát triển mới về kinh tế -  xã hội, đang là hướng đi tất yếu, phù hợp quy hoạch của Đà Nẵng. Và khu vực Đông Nam ven sông Cổ Cò được xem là nơi giàu tiềm năng nhất để hình thành nên các khu đô thị như vậy.
Đến 2030, TP Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là thành phố đáng sống...
Đến 2030, TP Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là thành phố đáng sống...

Giãn dân nội đô – yêu cầu bức thiết của Đà Nẵng

Những năm qua, Đà Nẵng luôn là một trong những thành phố phát triển hàng đầu của cả nước, là hình mẫu về sự phát triển đô thị và được bình chọn là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam".

Những nhận xét này quả thật không phải là nói quá bởi từ một đô thị nhỏ bé với không gian đô thị chỉ khoảng 5.600 ha vào những năm 90, đến nay Đà Nẵng đã là thành phố trực thuộc Trung ương. Diện tích đô thị mở rộng đạt tới gần 20.000 ha, phát triển tập trung chủ yếu ở 2 bên bờ sông Hàn.

Cùng với việc mở rộng không gian đô thị và sự phát triển của nền kinh tế, dân số Đà Nẵng cũng liên tục tăng trưởng. Kết quả Tổng điều tra sơ bộ năm 2019 cho thấy, đến tháng 4/2019, tổng dân số Đà Nẵng đạt hơn 1,134 triệu người với mật độ 883 người/km2. Nếu so với Hà Nội và TP.HCM, thì mật độ dân số của Đà Nẵng không cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là số người cư ngụ tại khu vực đô thị lên tới 990 nghìn người, chiếm 87,3%  tổng dân số toàn thành phố; diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người chỉ đạt trên 6-8 m2/người - khá thấp so với chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25 m2.

Dự báo đến năm 2020 dân số thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng, đạt khoảng 1,6 triệu người, trong đó dân số chính thức sống tại đô thị vào khoảng 1,3 triệu người.

Với độ nén dân số quá cao tại khu vực đô thị như vậy trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu đang dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân bị suy giảm, từ đó cản trở sự phát triển của xã hội và nền kinh tế.

Bởi vậy, giãn dân nội đô, mở rộng diện tích đô thị ra các vùng ven đang là yêu cầu bức thiết của Đà Nẵng, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, đến 2030, TP Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là thành phố đáng sống, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm về logistics..., không chỉ tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, mà còn trở thành thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Khu vực Đông Nam thành phố được xem là “tương lai mới của Đà Nẵng” bởi vừa hội tụ tiềm năng phát triển đô thị hiện đại, vừa có khả năng phát triển kinh doanh dịch vụ.

Cơ hội để phát triển các khu đô thị hiện đại, đồng bộ

Trước áp lực về việc giãn dân nội đô, quy hoạch lại đô thị theo hướng hiện đại hơn, hài hòa và thân thiện với môi trường hơn, đặc biệt là sự cần thiết phải lập nên những cực phát triển mới cho nền kinh tế, vùng Tây Bắc và phía Nam đã được Đà Nẵng định vị là 2 khu vực sẽ mở rộng đô thị, bởi đây là nơi vẫn còn quỹ đất.

Trong đó, với đặc thù gần biển, khu vực Đông Nam thành phố được xem là “tương lai mới của Đà Nẵng” bởi vừa hội tụ tiềm năng phát triển đô thị hiện đại, vừa có khả năng phát triển kinh doanh dịch vụ. Nhất là khu vực này lại có sông Cổ Cò đang được khơi thông, nhằm triển khai tuyến du lịch đường thủy đầy tiềm năng kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam. Ngoài ra, khu vực này cũng nằm ngay gần khu danh thắng Ngũ Hành Sơn - một trong những địa điểm ưa thích của khách du lịch.

Nắm bắt được tiềm năng này, giới đầu tư địa ốc trong Nam ngoài Bắc đã “đổ bộ” vào khu Đông Nam Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội tại các dự án khu đô thị đang được quy hoạch bài bản, đồng bộ cả về hạ tầng giao thông và hệ thống cảnh quan...

Trong đó, Khu đô thị ven sông Nam Hòa Xuân được giới đầu tư và các nhà môi giới đánh giá là dự án hấp dẫn nhất bởi sở hữu các khu nhà phố tọa lạc ven sông, ven trục đường lớn Nguyễn Phước Lan kéo dài. Vị trí này dễ tiếp cận với các điểm du lịch lớn như Ngũ Hành Sơn hay bãi tắm công cộng Sơn Thủy cách đó khoảng 1 km…Trong bối cảnh Đà Nẵng đang có chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc xây mới các dự án bất động sản ven biển thì các khu đô thị cận sông, gần biển và đồng bộ như vậy là rất hạn chế.

Với chủ trương và hướng phát triển mới của Đà Nẵng, việc phát triển các khu đô thị mới ở các vùng ngoại vi thành phố chắc chắn là xu hướng tất yếu. Tương lai không xa, chính các khu đô thị mới như Nam Hòa Xuân sẽ không chỉ giúp giãn dân nội đô, thay đổi diện mạo cho các vùng ven đô, mà còn tạo nên các cực phát triển mới cho Đà Nẵng, nhằm kích thích kinh tế và du lịch phát triển. Theo thời gian, các khu vực này phát triển cũng sẽ kéo theo các dịch vụ sầm uất, giá trị bất động sản hứa hẹn sẽ tăng lên nhanh chóng./.

Chuyên đề