Doanh nghiệp bất động sản chật vật vì tồn kho

(BĐT) - Tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng biến động gây nên những lo ngại cho thị trường bất động sản (BĐS). Các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối diện với áp lực chi phí tài chính lớn nếu không sớm “giải phóng” lượng hàng tồn kho.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tồn kho tăng vọt

Kết thúc năm 2019, một trong những vấn đề muôn thuở khiến giới địa ốc đau đầu là tồn kho. Không ít doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS có số tồn kho bất ngờ tăng vọt.

Đơn cử là trường hợp của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII). Tại thời điểm 31/12/2019, hàng tồn kho của CII ở mức 5.738 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với đầu năm.

Trong đó, hàng tồn kho của CII chủ yếu nằm tại các dự án bất động sản dở dang như Dự án Khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside, với giá trị hàng tồn kho lên tới hơn 1.633 tỷ đồng. Đây là dự án do CII góp 80% vốn, có tổng mức đầu tư 1.960 tỷ đồng.  Tiếp đến là Dự án Khu căn hộ cao cấp NBB Garden II với giá trị tồn kho 710 tỷ đồng; Khu NBB Garden III, giá trị tồn kho 695 tỷ đồng; Khu nhà ở chung cư lô 3.15, giá trị tồn kho 781 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng tồn kho của CII nằm rải rác ở một số dự án như Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, Khu biệt thự Đồi Thủy sản Quảng Ninh, Khu du lịch De - Lagi…

Một công ty địa ốc có lượng tồn kho khá lớn khác là Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC). Tính đến hết năm 2019, lượng tồn kho của TDC là 3.505 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho ở một số dự án nằm trong danh sách “dở dang dài hạn” như Dự án Phố sông Cấm (tồn kho 403 tỷ đồng), Dự án TDC Plaza (534 tỷ đồng), Dự án Uni Town - giai đoạn 2 (552 tỷ đồng).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, cổ đông cũng bày tỏ băn khoăn xung quanh vấn đề tồn kho của TDC. Theo đó, một cổ đông thắc mắc về việc trong báo cáo tài chính năm 2018 thì khoản chi phí sản xuất dở dang là 3.090 tỷ đồng, tăng so với đầu năm khoảng 2.200 tỷ đồng.

“Ông lớn” bất động sản Novaland cũng có lượng hàng tồn kho “khủng” trong năm 2019. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, tồn kho của Novaland là 57.197 tỷ đồng, tăng tới 83% so với con số 31.122 tỷ đồng đầu năm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp BĐS cũng đang “đau đầu” với lượng hàng tồn kho lớn tại thời điểm kết thúc năm 2019 là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (7.397 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (4.186 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (6.791 tỷ đồng)...

Áp lực lớn về chi phí tài chính

Theo báo cáo của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnamreport), từ cuối quý I/2019, rủi ro bắt đầu tăng khi trên thị trường chứng khoán đã có gần 100 doanh nghiệp kinh doanh BĐS có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Trong số 40 doanh nghiệp BĐS đang tồn kho lớn nhất thị trường thì có tới 20 doanh nghiệp tồn kho trên 2.000 tỷ đồng. Vietnamreport cho rằng, tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng biến động gây nên những diễn biến đáng lo ngại của thị trường BĐS.

Thông thường giá trị hàng tồn kho lớn rất hay xuất hiện ở các doanh nghiệp BĐS do đặc thù về ngành nghề khi doanh thu phụ thuộc vào chu kỳ bán hàng kéo dài đến vài năm. Với các doanh nghiệp BĐS, chỉ tiêu “hàng tồn kho” được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán gồm 2 khoản mục là hàng hóa (sản phẩm hoàn thiện như căn hộ, nhà ở...) và chi phí sản phẩm dở dang (giá trị quyền sử dụng đất, chi phí lãi vay đã được vốn hóa, chi phí thiết kế, chi phí xây dựng... của các dự án đang trong giai đoạn triển khai).

Trên thực tế, nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, vốn đầu tư… nên cứ “chình ình” mãi trong mục BĐS dở dang.

Đối với các doanh nghiệp sở hữu lượng hàng tồn kho lớn, nếu không mau chóng “giải phóng” tồn kho, sẽ phải chịu áp lực lớn về chi phí tài chính. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường BĐS phải đối mặt với một số rủi ro trong thời gian tới. Chẳng hạn sự thay đổi của khung khổ chính sách, hệ thống văn bản pháp quy về BĐS hiện còn phức tạp và chồng chéo... Nguồn vốn tài chính của ngành còn hạn chế, thị trường chứng khoán khó khăn trong huy động vốn, việc hạn chế các nguồn vốn tín dụng vào BĐS trở thành các yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại.

Chuyên đề