Cổ đông SRC hoang mang suốt 10 năm vì sợ mất đất “vàng“

Việc lựa chọn đối tác đầu tư dự án tại trụ sở cũ của Cao su Sao vàng kéo dài suốt gần 10 năm vì lý do cổ đông lớn nhỏ không thống nhất được quan điểm. Cuối cùng "phần thắng" vẫn nghiêng về cổ đông lớn khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn được ban lãnh đạo Cao su Sao vàng lựa chọn.
Trụ sở cũ của Cao su Sao vàng nằm trên 6,2 ha mặt đường Nguyễn Trãi
Trụ sở cũ của Cao su Sao vàng nằm trên 6,2 ha mặt đường Nguyễn Trãi

Câu chuyện gần như đã có hồi kết này vẫn gây nhiều tranh cãi cho dư luận khi công ty Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt có lưu ý về nội dung bản hợp đồng hợp tác giữa Cao su Sao vàng và Hoành Sơn tại Báo cáo kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016. Đối với cổ đông SRC mà nói, 10 năm hoang mang sợ mất "đất vàng" cuối cùng lại kết thúc bằng nỗi thất vọng.

Cao su Sao Vàng quá nóng vội khi gán nợ 26 tỷ đồng bằng cổ phần?

Sau khi thông qua đại hội cổ đông, bản hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (mã SRC-HOSE) và Công ty Cổ phần Tập đàn Hoành Sơn đã được ký kết giữa tháng 6/2016. Trong đó có nội dung thành lập Công ty Dự án là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn để khai thác Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao Su Sao Vàng – Hoành Sơn với diện tích 62.438 m2 tại lô đất trụ sở cũ của SRC (số 231 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình và Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Công ty này có vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, CTCP Cao Su Sao Vàng góp 26% bằng nguồn vốn vay lãi suất 0% của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Tuy nhiên, để thực hiện dự án trên khu "đất vàng" của Cao Su Sao vàng, Hoành Sơn khó có thể để vốn điều lệ công ty liên kết kể trên ở mức 100 tỷ đồng. Mà từ cuối năm 2015, ngày 24/11/2015, SRC đã thông báo dự kiến thành lập công ty với vốn điều lệ ban đầu là 1.673 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông tháng 4/2016, ông Mai Chiến Thắng - Tổng giám đốc công ty SRC cũng cho rằng, nếu theo đúng dự kiến với vốn điều lệ ban đầu, nếu SRC đóng 26% thì công ty không có đủ tiền góp vốn. Do vậy công ty học tập kinh nghiệm từ các công ty khác, lập công ty ban đầu có vốn nhỏ 100 tỷ đồng. Và Dự án 231 Nguyễn Trãi không phải là mục tiêu của công ty hiện nay bởi công ty không có tiền, mà trên thực tế chỉ là sang nhượng quyền sử dụng đất cho bên thứ 2, SRC tập trung vào việc di dời nhà máy.

Tuy nhiên, trong bản hợp đồng với Hoành Sơn ký kết chỉ hai tháng sau khi “hứa” với cổ đông, Cao Su Sao Vàng lại thống nhất sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Hoành Sơn sau 36 tháng. Đồng nghĩa với việc Sao vàng giữ lại khoản 26 tỷ đồng để bán lại 26% vốn góp vào công ty làm dự án cho Hoành Sơn. Nếu Hoành Sơn sở hữu 100% vốn tại Công ty Dự án là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn, thì khoản vay và việc thành lập công ty thực chất là một cách để hợp thức hóa vấn đề hợp tác. Như vậy có phải Cao su Sao vàng đã quá vội vàng làm “mất lòng cổ đông”?

Bởi thực tế, SRC không khó khăn đến nỗi không có 26 tỷ đồng để đến mức phải dễ dàng “buông” công ty dự án tại khu đất trụ sở cũ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này đạt 1.541,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015. Nhưng lợi nhuận tăng trưởng tốt, lợi nhuận sau thuế năm 2016  của SRC đạt 172,7 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.

Cổ đông "miễn cưỡng" đồng ý vì được lãnh đạo SRC trấn an

Thực ra, Cao su Sao vàng đã có chủ trương di dời trụ sở từ lâu nhưng đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Tại Đại hội cổ đông tháng 4/2016, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, việc di dời nhà máy ra khỏi địa điểm hiện nay là tất yếu và đây cũng là cơ hội để công ty đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là đầu tư công nghiệp sản xuất lốp Radial. Tuy nhiên, hiện nay khả năng tài chính của công ty rất hạn chế nên công ty cần phải tìm đối tác để hợp tác đầu tư tại lô đất số 231 Nguyễn Trãi, tận dụng lợi thế khu đất để tạo nguồn vốn hỗ trợ công tác di dời. Theo đó, ban lãnh đạo SRC đã chọn CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là đối tác ký hợp đồng hợp tác đầu tư vì đây là đối tác trả giá cao nhất (435 tỷ đồng) và là một nhà đầu tư đã tham gia nhiều dự án lớn...

Tuy nhiên, nhiều cổ đông nghi ngờ năng lực của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn và đề nghị phủ quyết tờ trình về việc SRC hợp tác với Hoành Sơn làm dự án tại khu đất 231 Nguyễn Trãi. Cổ đông yêu cầu đưa ra đấu giá công khai khi nhận thấy tài sản bị thất thoát quá nhiều từ sự hợp tác này.

Khi đó, ban lãnh đạo công ty thuyết phục các cổ đông: Dự án này manh nha triển khai từ khoảng 2008 - 2009. Vào thời kỳ trên, công ty cũng đã bàn đến phương án thành lập liên doanh 3 công ty với vốn ban đầu là 1.300 tỷ đồng: BĐS Việt Hưng, Phú Mỹ và SRC, trong đó SRC chỉ đóng góp 10% vốn. Lúc đó Nhà nước chưa có quy định cấm các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành. Chính phủ lúc đó cũng chưa có quy định quản lý về sử dụng đất về đất sản xuất công nghiệp trong thành phố. Ngoài ra, BĐS thời điểm đó khá "nóng" nên đối tác đưa ra giá hơn 700 tỷ, tuy nhiên chưa có hợp đồng nào để ký kết, chỉ mới đưa ra giá. Về ý kiến đề nghị đưa vấn đề trên ra đấu giá, ông Thắng cho biết, luật pháp không cho phép việc này.

Tại đại hội, cổ đông vẫn còn phiếu phủ quyết việc hợp tác với Hoành Sơn và cho đến bây giờ, không ít cổ đông của SRC vẫn tỏ ra “bất mãn” với quyết định của ban lãnh đạo. Điều này cũng dễ hiểu bởi cổ đông cho rằng thương vụ hợp tác này không khác một vụ thâu tóm là mấy. Hoành Sơn bỏ ra 458 tỷ đồng để đổi lấy việc khai thác dự án trên khu "đất vàng" có giá hàng nghìn tỷ đồng.

Việc Cao su Sao vàng mở rộng nhà máy sản xuất gấp 3,5 lần so với diện tích cũ là tin vui cho cổ đông. Điều này có nghĩa hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu và lợi nhuận của SRC thời gian tới sẽ có những bước nhảy vọt. Tuy nhiên, nếu khu đất vàng trụ sở cũ được trả với mức giá phù hợp thị trường thì có thể ghi nhận vào doanh thu, lợi nhuận của SRC. Hay ít nhất doanh nghiệp có một khoản tiền trang trải cho nhà máy mới thay bằng việc phải vay ngân hàng.

Chuyên đề