Chung tay xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh

(BĐT) - “Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, các chuyên gia trên con đường xây dựng và phát triển TP.HCM ngày càng phồn vinh, tươi đẹp”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã khẳng định như vậy tại buổi “Gặp gỡ, tiếp đón trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018”, được tổ chức mới đây tại TP.HCM.
TP.HCM mong muốn phối hợp, gắn kết với các chuyên gia, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, trong các nội dung của Đề án Thành phố thông minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP.HCM mong muốn phối hợp, gắn kết với các chuyên gia, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, trong các nội dung của Đề án Thành phố thông minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

TP.HCM luôn đẩy mạnh kết nối, hợp tác quốc tế

Theo ông Nguyễn Thành Phong, với vai trò là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GRDP của cả nước. Thành phố đóng góp trung bình hàng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để tiếp tục duy trì và phát huy các thành tựu trên, Thành phố đã xác định mô hình phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình và kế hoạch hành động. Nổi bật là Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh…

Vẫn theo ông Nguyễn Thành Phong, một trong những yếu tố cốt lõi để đổi mới sáng tạo thành công là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Vì vậy, bên cạnh đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ đang làm việc trong các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trong nước, Thành phố luôn đẩy mạnh kết nối, hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng, lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là những người trẻ, tài năng, nhiệt huyết luôn hướng về quê hương để đóng góp cho hoạt động đổi mới sáng tạo, chia sẻ khả năng ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số…

Trong thời gian qua, Thành phố đã chủ động tham gia kết nối với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước trong các chương trình hợp tác quốc tế như: Diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước, Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Sillicon Valley)…; bước đầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng yếu; triển khai thành công mô hình không gian đổi mới sáng tạo tại Sở Khoa học và Công nghệ, làm nền tảng hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Thành phố. 

Đề xuất ý tưởng và cùng nhau hợp tác

Tại Buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TP.HCM hiện nay là một thành phố hết sức năng động, đang chuyển mình một cách mạnh mẽ theo tư duy phát triển rất hiện đại. Mô hình của Thành phố hướng đến là một nền kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đây là một mô hình hiện đại nhất và là xu thế của tất cả các nước phát triển mà các nền kinh tế phải hướng tới. Khi các nhà khoa học cùng nhau về đây tiếp xúc với Thành phố, lắng nghe những nhu cầu của Thành phố, chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng để đề xuất và cùng hợp tác với nhau.

Tiến sĩ Đỗ Bình Minh làm việc tại Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) cho hay, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nên đầu tư phát triển vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và công nghệ “máy học” (Machine learning). Bởi AI đang là ngành mũi nhọn trong xu hướng phát triển công nghệ 4.0, dựa trên sự quan trọng của dữ liệu. Các “cá mập” trong lĩnh vực này không chỉ ở Mỹ như Google, Facebook, mà còn có cả sự nổi lên từ Trung Quốc. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố nên tập trung vào AI để có thể bắt kịp xu hướng trên thế giới. Nhưng để chúng ta đuổi kịp, thì phải tính đến chuyện đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Đó là bài toán tương đối khó.

Bà Võ Quy, khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế ở Thụy Sĩ đánh giá, TP.HCM là môi trường rất năng động và được so sánh với cả Thụy Sĩ, một quốc gia có diện tích nhỏ trong lòng châu Âu, nhưng nhiều năm liền đứng đầu về chỉ số sáng tạo ở châu Âu. Điều đáng nói là, trong khi Thụy Sĩ đã làm được, còn TP.HCM gần như có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ, nhưng chỉ có một điều là dường như các nhà đầu tư chưa chú ý nhiều đến yếu tố tăng trưởng bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân, chuyên gia bảo mật cho biết, trong quá trình phát triển thành đô thị thông minh, lãnh đạo Thành phố cũng cần chú ý đến chuyện bảo mật dữ liệu vốn đang ngày càng trở nên quan trọng, bản thân Việt Nam cũng là một trong những nước bị tấn công mạng nhiều nhất. Số lượng tài sản số ngày càng nhiều lên, theo đó là lượng tài sản số hóa cần được bảo vệ rất lớn. Sự bảo vệ đó là vai trò của ngành an ninh mạng.

“Thành phố mong muốn sẽ cùng phối hợp, gắn kết với các chuyên gia, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ có mặt ngày hôm nay, trong các nội dung của Đề án thành phố thông minh cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành/lĩnh vực theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin và cơ khí - tự động hóa, phục vụ phát triển đô thị thông minh; nghiên cứu, tìm kiếm những mô hình tiên tiến của trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện môi trường chính sách hỗ trợ thương mại hóa công nghệ; hỗ trợ hạ tầng công nghệ số (như các mạng thông minh, băng thông rộng, hệ thống giao thông vận tải thông minh, chính phủ điện tử...) nhằm thực hiện thắng lợi 7 Chương trình đột phá, Đề án đô thị thông minh… của Thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chuyên đề