Các nhà đầu tư bất động sản đang chờ đợi thời cơ mới

(BĐT) - Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 gây ra một số gián đoạn cho thị trường bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp ngăn chặn hiệu quả từ Chính phủ, các hoạt động kinh doanh đang trở lại trạng thái bình thường vào đầu tháng 5/2020.
Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn. Ảnh: Ngô Ngãi
Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn. Ảnh: Ngô Ngãi
Doanh nghiệp nước ngoài  hợp tác với doanh nghiệp nội địa
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn của JLL tại Việt Nam cho biết, mặc dù hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm trong quý I/2020, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng việc tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.
Qua quan sát của JLL về lịch sử giao dịch, phần lớn các thương vụ thành công đến từ những nhà đầu tư đã rất am hiểu về biến động rủi ro và nhu cầu thị trường, với mục đích tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt, hoặc mong muốn mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực.
Nhóm đầu tư mới tham gia vào thị trường sẽ có chiến lược bảo thủ hơn. Dù sở hữu nguồn vốn mạnh nhưng các khoản đầu tư lớn dự kiến sẽ bị tạm dừng trong thời gian bất ổn, ngoại trừ các giao dịch đang trong quá trình triển khai.
“Với tâm lý "tiền mặt là vua", hoặc "làm khi lành để dành khi mưa" trong bối cảnh kinh tế bất ổn, nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung đầu tư vào các thị trường họ đã am hiểu”, bà Nguyễn Thị Vân Khanh chia sẻ.
Đối với nhà đầu tư nội địa, quá trình phê duyệt bị trì hoãn cùng với chính sách thắt chặt tín dụng và ảnh hưởng từ dịch bệnh đã tạo áp lực ngắn hạn lên dòng tiền và thanh khoản của nhà đầu tư. Do đó, một số nhà phát triển trong nước tích cực huy động vốn thông qua hình thức tài trợ nợ, điển hình như phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tìm kiếm đối tác vốn. Tuy nhiên, JLL chưa ghi nhận xu hướng bán tài sản nợ xấu từ các công ty bất động sản nội địa trong quý đầu năm nay.
Theo bà Khanh, nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi thời cơ mới, vì vậy những ảnh hưởng của Covid-19 sẽ càng rõ nét hơn trong quý II.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Vị trí đàm phán giữa người bán và người mua ngày càng trở nên cân bằng hơn. Do đó, JLL kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường được dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm 2020 hoặc 2021.

Nhiều phân khúc vẫn ổn định

Nhu cầu đối với tài sản văn phòng và nhà ở vẫn ổn định, trong khi các tài sản khu công nghiệp được dự báo là thị trường hứa hẹn nhất. Khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn đã phải tính kế hoạch để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất và tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Báo cáo mới nhất của JLL cho biết, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế khi giá tăng cao.
Là một thị trường mới nổi, việc thực hiện giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Để thúc đẩy hoạt động M&A, Việt Nam cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trinh phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình phê duyệt pháp lý hoàn thành, JLL kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn xa hơn, mọi thách thức là đều là cơ hội để tăng trưởng và các doanh nghiệp tại Việt Nam nên nắm bắt cơ hội để thay đổi và cải thiện. Các thương vụ M&A bất động sản đơn giản là giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán thông qua chuyển nhượng dự án hoặc công ty.
"Khi Việt Nam đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế có năng lực tài chính mạnh mẽ, cơ cấu giao dịch sẽ đa dạng và phức tạp hơn. Vai trò của đơn vị tư vấn đầu tư tài sản chuyên nghiệp là không thể thiếu khi các nhà đầu tư cần tận dụng chuyên môn và đẩy nhanh quá trình giao dịch. Điều này đã xảy ra ở các thị trường phát triển và chúng tôi tin rằng Việt Nam đang bắt đầu đi theo hành trình trên", bà Khanh nhận định.

Chuyên đề