Bơm “vốn ngoại” vào dự án bất động sản: Chiêu kích cầu hiệu quả

(BĐT) - Thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) ấm lại sau giai đoạn đóng băng (giai đoạn 2014 - 2015), một số dự án được tái khởi động dưới hình thức “bơm vốn” của các quỹ “ngoại” với con số cả trăm triệu USD. 
Chung cư An Gia Star, một dự án gắn mác vốn ngoại đang dính lùm xùm. Ảnh: Quang Tuấn
Chung cư An Gia Star, một dự án gắn mác vốn ngoại đang dính lùm xùm. Ảnh: Quang Tuấn

Không biết thực hư nội dung của các hợp đồng hợp tác này thế nào, chỉ biết ngay sau đó nhiều dự án bán được khối lượng hàng lớn.

Mượn danh “vốn ngoại”

Năm 2015, hàng loạt công ty công bố “hút” vốn ngoại nhưng sau 2 năm triển khai các dự án, thực hư số tiền được các “ông ngoại” bơm vào thế nào luôn trong vòng bí mật. Đơn cử như An Gia Investment công bố được quỹ Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD để mua lại cổ phần của Công ty, đầu tư dự án với tỷ lệ 50/50 và cung cấp các khoản vay cho các dự án. Thực tế chi tiết của bản hợp đồng này không được tiết lộ, chỉ biết sau đó hàng loạt dự án “chết dở sống dở” mà An Gia công bố là của mình được hồi sinh. Có thể kể đến An Gia Skylight, An Gia Riverside, An Gia Star...

Thế nhưng, đến khi nhận nhà thì dự án được bơm vốn Nhật cùng “kinh nghiệm Nhật” như An Gia Star (quận Bình Tân) mới “lòi đuôi cáo”. Khách hàng tá hỏa khi phát hiện mỗi tòa nhà chỉ có 2 thang máy thay vì 3 thang như hình quảng cáo, tư vấn mua căn hộ. Đại diện An Gia giải thích là do lỗi in ấn. Chưa hết, lúc dọn vào ở khách hàng càng bất ngờ hơn khi An Gia đục tường để thông với Block B của chung cư Tân Mai bên cạnh. Hóa ra, An Gia Star và Tân Mai cùng 1 dự án của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Bình. Trước sức ép của cư dân, An Gia hứa sau khi làm xong Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ sẽ “chặn” bằng cách xây tường lại và tăng giá vé hồ bơi cao ngất ngưởng để cấm cửa cư dân Tân Mai. Đại diện Công ty CP Đầu tư Tân Bình cho biết, nếu An Gia làm vậy sẽ vi phạm hợp đồng ký kết giữa 2 bên. 

Một ví dụ khác là Dự án Flora Anh Đào (Quận 9) của Nam Long hợp tác với hai đối tác Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật, phong cách Nhật nhưng khi bàn giao căn hộ cho khách hàng vào năm 2016 đã bị nứt tường, bong tróc. Giá bán căn hộ này năm 2015 đắt hơn các chung cư có vị trí tương tự từ 3 - 5 triệu đồng/m2.

River City - một dự án của Phát Đạt tại Quận 7 có tổng mức đầu tư 500 triệu USD với sự hợp tác của An Gia Investment và quỹ Creed Group đã bất ngờ được chủ đầu tư thu hồi và bồi thường hợp đồng cho khách hàng sau thời gian được An Gia làm đại diện bán hàng. Dù bắt tay với An Gia nhưng ông chủ của Phát Đạt rất sòng phẳng trong “cuộc chơi” khiến các khách hàng mừng hơn “bắt được vàng” khi chủ đầu tư hủy hợp đồng, ước tính sơ bộ mỗi khách hàng được đền cả trăm triệu đồng. Hiện một phần của River City đã được bán cho đối tác khác.

Bất luận cái kết của dự án “vốn ngoại” là kẻ khóc hay người cười thì cái danh vốn ngoại cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Khách hàng sập bẫy vì thật giả lẫn lộn

Hợp tác đầu tư, cam kết đầu tư hay liên kết trong BĐS về bản chất chỉ là cái “bắt tay” của hai hay nhiều đối tác bên ngoài, không giống việc sở hữu cổ phần được xem là một phần không thể tách rời của một thực thể.
Khi thị trường BĐS kiệt sức vì thiếu tiền mặt, hàng loạt các dự án ngừng thi công, đắp chiếu. Giai đoạn 2012 - 1013, khi lãi suất huy động tiền gửi lên đến 14%, nhiều ngân hàng cho vay mức 18 - 19%/năm, dòng vốn ngoại có mức lãi suất 5% như Creed Group quả là giấc mơ đối với thị trường BĐS đang chết đói.

Đánh trúng nỗi sợ chủ đầu tư hết tiền là lý do nhiều dự án có yếu tố vốn ngoại bán hàng dễ dàng. Không ít người nhầm tưởng việc hợp tác của An Gia với Creed Group cũng giống như Vinacapital sở hữu 21% (26 triệu USD) hay Dragon Capital sở hữu 16% (20 triệu USD) của Khang Điền. Thêm vào đó, các dự án của Khang Điền được phát triển bài bản, sau khi có yếu tố ngoại lại càng gia tăng thêm sự tin tưởng của cái được gọi là vốn ngoại. Trong khi đó, hợp tác đầu tư, cam kết đầu tư hay liên kết trong BĐS về bản chất chỉ là cái “bắt tay” của hai hay nhiều đối tác bên ngoài, không giống việc sở hữu cổ phần được xem là một phần không thể tách rời của một thực thể.

Năm 2015, Địa ốc Hoàng Quân đang “chết lên chết xuống” khi đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội cũng công bố được Quỹ GEM rót 20 triệu USD vào cổ phiếu mã HQC. Cùng với ưu đãi tín dụng từ gói 30 nghìn tỷ đồng, Hoàng Quân hoàn thành được một vài dự án nhà ở xã hội dở dang. Tuy nhiên, đối tượng mua nhà ở xã hội phải qua xét duyệt nên Hoàng Quân không thể “đánh nhanh thắng nhanh” kiểu An Gia. Hậu thông tin vốn ngoại, trong khi An Gia thắng lớn thì Hoàng Quân lại rơi vào tình trạng đói vốn dài dài.

Chuyên đề