Bộ Xây dựng: Thanh tra, công khai chủ đầu tư “chây ì” làm sổ đỏ cho cư dân

Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư­ kinh doanh bất động sản. Trong đó, có việc chậm trễ làm sổ đỏ cho người dân.
Nhiều chung cư rơi cảnh dở khóc dở cười vì nhận nhà bao năm vẫn "bật vô âm tín" sổ đỏ.
Nhiều chung cư rơi cảnh dở khóc dở cười vì nhận nhà bao năm vẫn "bật vô âm tín" sổ đỏ.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giai đoạn từ tháng 12/2015 đến hết quý I/2020, Bộ đã triển khai 295 đoàn thanh tra chuyên ngành theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (không bao gồm các đoàn thanh tra hành chính).

Bộ cũng đã tiến hành thanh tra đột xuất 20 đoàn theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ; ban hành 378 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền 2.658 tỷ đồng (không bao gồm số tiền không phải phê duyệt lại dự toán) và 424 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung số tiền gần 50 tỷ đồng.

Nêu rõ một số tồn tại, Bộ Xây dựng cho biết có một số công trình xây dựng (chủ yếu là công trình do tư nhân quản lý) chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm soát chất lượng theo quy định, vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thi công xây dựng.

Cụ thể như việc doanh nghiệp tự ý thay đổi thiết kế (nâng tầng, mở rộng diện tích, cơi nới, thay đổi công năng...); không tổ chức thẩm tra, thẩm định thiết kế.

Có trường hợp thi công không đúng với thiết kế đã được thẩm định và giấy phép xây dựng; khởi công xây dựng khi chưa có giấy phép; đưa công trình vào sử dụng khi chưa đủ điều kiện về an toàn và chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận…

Những sai phạm này theo Bộ Xây dựng, đã gây khó khăn trong việc giải quyết hậu quả làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương.

"Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm", Bộ Xây dựng cho biết.

Tăng cường công tác thanh tra các dự án bất động sản

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường vai trò trách nhiệm của các địa phương đối với việc quy hoạch, cấp phép đầu tư và tiến độ xây dựng các dự án bất động sản, nhất là các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ.

Ngoài ra Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.

Bộ này cũng cho rằng cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư¬ kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng cần tiến hành rà soát các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chỉ đạo các địa phương bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Chuyên đề