Bất ngờ: Hà Nội đề xuất tăng giá đất 15%, giảm một nửa so với dự kiến ban đầu

Để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thành phố, UBND TP. Hà Nội đã xem xét, thống nhất mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 với mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn trước.
Hà Nội hạ đề xuất tăng giá đất trong 5 năm tới về mức bình quân 15%.
Hà Nội hạ đề xuất tăng giá đất trong 5 năm tới về mức bình quân 15%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình gửi HĐND TP xem xét về việc ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Theo đó, để xác định bảng giá đất mới, cơ quan khảo sát đã xác định 584 điểm điều tra tại 584 phường, xã, thị trấn (386 xã, 177 phường và 21 thị trấn) thuộc địa bàn 30 quận/huyện/thị xã.

UBND TP Hà Nội cho biết, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất của UBND TP. Theo đó, bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng.

Để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.

Theo UBND TP. Hà Nội, bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.

Tính thuế sử dụng đất; Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Ngoài ra, theo quy định khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương. Khi đó “bảng giá đất chính là khung giá đất của Thành phố nên trường hợp xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các phương pháp: Thặng dư, so sánh, thu nhập và chiết trừ, nếu giá đất cụ thể xác định thấp hơn mức giá theo quy định tại bảng giá thì tính bằng bảng giá để đảm bảo quy định.

Việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp vào các đối tượng nêu trên, qua đó tác động vào kinh tế - xã hội của Thành phố.

Trước đó, theo Dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố, việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, với mức tăng bình quân 30% cho giá các loại đất, bao gồm: Đất nông nghiệp; đất ở địa bàn nông thôn; đất thương mại dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tại nông thôn; đất thương mại tại đô thị; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tại đô thị.

Việc điều chỉnh giá đất được cho biết nhằm góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời, bảo đảm nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường và sự cân đối giá đất giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, một chuyên gia về bất động sản nhận định, việc điều chỉnh giá đất theo hướng tiệm cận hơn với thị trường là cần thiết.

Theo ông Quang, lần điều chỉnh gần nhất cũng đã cách đây vài năm, trong khi giá đất có nhiều biến động, khung giá đất hiện nay vẫn chưa phản ánh đúng giá thị trường.

Nếu được thông qua, việc tăng giá này sẽ giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường. Tuy nhiên, dù có điều chỉnh tăng ở mức nêu trên, ông Quang cho rằng vẫn còn khoảng cách tương đối xa giữa giá thị trường với khung giá của nhà nước tại một số khu vực.

Nhận định về tác động của việc điều chỉnh này đối với thị trường bất động sản Hà Nội, ông Đặng Văn Quang nói: Khung giá đất này sẽ không ảnh hưởng nhiều ở khía cạnh trực tiếp nhưng sẽ ảnh hưởng ở mặt gián tiếp.

“Với sự điều chỉnh này, nhiều người có suy nghĩ rằng khung giá đất tăng sẽ kéo theo giá bất động sản thành phố sẽ tăng, nhất là phân khúc đất nền. Thêm nữa, khi giá đất tăng, giải phóng mặt bằng tăng, chi phí thu hồi đất, tạo quỹ đất cho các dự án bất động sản tăng sẽ làm chi phí tăng. Tuy nhiên, mức tăng này đều chia đều cho toàn bộ dự án thì chi phí tăng sẽ không hề lớn", ông Quang phân tích.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, Nhà nước thu được thuế phí nhiều hơn. Ngược lại, những người chưa có đất, chưa sở hữu bất động sản thì sẽ bất lợi hơn.

Chuyên đề