Bất động sản vùng ven tiếp tục tạo sóng

(BĐT) - Khảo sát trên thị trường cho thấy, bất động sản liền thổ vẫn sẽ được kích cầu mạnh trong thời gian tới, mặc dù được giao dịch sôi động đến chóng mặt trong thời gian qua.
Bất động sản vùng ven tiếp tục tạo sóng

Sốt giá cục bộ

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các cơn sốt ảo giá đất, giá đất nền trong thời gian qua ở một số tỉnh thành, hoặc tại một số quận, huyện ngoại thành TP.HCM chỉ là những đợt sốt giá cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp. Hiện tình hình sốt ảo giá đất, giá đất nền tại các địa phương đã bước đầu được kiểm soát và dự báo không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “tạo sóng” của thị trường đất nền vùng ven. Trong đó, nguyên nhân chính là do tâm lý “đất là vĩnh viễn” vẫn còn ảnh hưởng đến khách mua. Bên cạnh đó, tỷ lệ lợi nhuận của phân khúc đất nền luôn cao hơn so với các phân khúc khác. Ngoài ra, thị trường đất nền tại khu vực TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới và giá đã tăng khá cao, còn ở các tỉnh giáp ranh giá đất nền phân lô đang thấp, đa dạng về giá trị đầu tư, tiềm năng tăng trưởng cao, nên đã “tạo sóng”.

Các chuyên gia e ngại việc tập trung đầu tư vào đất nền làm mất cân bằng thị trường; các giao dịch và nguồn tài chính dành cho các phân khúc khác bị chia sẻ; việc giao dịch nhiều lần làm cho thị trường mất cân đối, tiến trình đô thị hóa bị đình trệ. Ở chiều ngược lại, làn sóng đầu tư vào thị trường đất nền vùng ven vẫn tăng, “cơn say” đất nền của khách hàng vẫn không hề thuyên giảm. Mặc dù cơn sốt này đến nay đã được kiểm soát và hạ nhiệt nhưng cũng đã khiến cho thị trường bất động sản một phen dậy sóng.

Dù có thể không sục sôi như các tháng đầu năm, nhưng từ nay đến hết năm 2018, thị trường đất nền vùng ven TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và người mua. Tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM và các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, đất nền sẽ tiếp tục sôi động với hàng loạt dự án mở bán, công bố ra thị trường. Nghĩa là nguồn cung sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. 

Bất động sản liền thổ vẫn được kích cầu tốt

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills TP.HCM cho hay, việc giá đất tăng hiện nay được hội tụ bởi nhiều yếu tố, xuất phát từ cả nhu cầu để ở và nhu cầu đầu tư ngày càng tăng của người dân. Điểm tích cực là nhu cầu nhà ở của người dân được đa dạng hóa và tính thanh khoản cao. Mặt tiêu cực là dù không hẳn là cơn sốt ảo, nhưng mặt bằng giá tăng lên sẽ hạn chế sự lựa chọn cho người mua với khả năng tài chính hạn chế.

Với sự hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô và đầu tư hạ tầng ngày càng tích cực, thị trường bất động sản liền thổ vẫn sẽ được kích cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá đất liên tục tăng như hiện nay, đối với người mua để ở, cần lựa chọn kỹ lưỡng về vị trí, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và nên xem xét rõ ràng về pháp lý. Nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, có thể dành thời gian quan sát, thăm dò, định giá, tìm chuyên gia tư vấn pháp lý, sau đó mới đưa ra quyết định.

Riêng các nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn những khu vực có vị trí và quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để tránh sự trục lợi từ các đối tượng đầu cơ. Điều cần lưu ý là, không nên xem nhẹ giá bán và tính pháp lý vì dễ dẫn đến rủi ro cao. Đòn bẩy tài chính không nên sử dụng trong lúc thị trường đang tăng giá, hoặc nên hạn chế ở mức thấp nhất.

Ông Nguyễn Văn Điềm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đô Thị Mới Thủ Thiêm cho biết, từ đầu năm đến nay dòng đất nền được xem là hiện tượng nổi bật trong tất cả các dòng sản phẩm trên thị trường do “cháy hàng”. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 10 triệu dân, thì có 2 - 3 triệu là người dân ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc nên nhu cầu về nhà ở rất cao. Mặt khác, sự tích lũy về tài chính của người dân ngày càng nhiều hơn và nhà đất đang trở thành một loại hình “của để dành” đáng giá, nên bất động sản liền thổ vẫn là sự lựa chọn của nhiều người.

Chuyên đề